Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, làn sóng đầu tư chứng khoán tại Việt Nam gia tăng đột biến trong bối cảnh thiếu vắng kênh đầu tư sinh lời tốt và lãi suất đang ở mức thấp nhất nhiều năm. Số liệu từ Trung tâm lưu ký (VSD) cho thấy, trong năm 2020 có tới hơn 390 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới, tăng gấp đôi so với năm trước và là con số kỷ lục.
Xu hướng này tiếp tục bùng nổ mạnh trong năm 2021, bình quân mỗi tháng có hơn 100 nghìn tài khoản được mở mới. Với tốc độ đó, tình trạng kín room cho vay diễn ra tại phần lớn các công ty chứng khoán, kể cả những công ty "top đầu".
Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên vào nhiều thời điểm trong năm 2021, rất nhiều công ty chứng khoán đã rơi vào tình trạng cho vay chạm ngưỡng tối đa.
Nắm bắt thời cơ, VNDirect tổ chức ĐHCĐ ngay từ quý 1 và thông qua phương án chào bán 220,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), tăng vốn lên gần 4.400 tỷ đồng để mở rộng năng lực cho vay. Khi đó, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết, việc tăng vốn sẽ giúp VNDIRECT cải thiện hạn mức kinh doanh và là điều kiện tiên quyết để giúp công ty giữ được lợi thế quy mô, cạnh tranh trên thị trường.
Trong tháng 6, VNDirect thực hiện thành công việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông, trở thành một trong những công ty chứng khoán tăng vốn thành công sớm nhất năm nay. Đây là một lợi thế không nhỏ khi mà thanh khoản thị trường liên tiếp lập những kỷ lục mới trong những tháng sau đó.
Việc tăng vốn lập tức đã mang lại kết quả tích cực tới hoạt động kinh doanh của VNDirect. Vào cuối quý 3, dư nợ cho vay của VNDirect đã lên tới 11.317 tỷ đồng, tăng 141% so với đầu năm và là công ty chứng khoán niêm yết có tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng nhất. Chỉ tính riêng quý 3/2021, lãi từ cho vay của VNDirect đạt con số kỷ lục 313 tỷ đồng, xấp xỉ mức lãi cho vay trong cả năm trước.
Sau 9 tháng đầu năm 2021, VNDirect đạt 1.937 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành vượt 76% kế hoạch được ĐHCĐ thông qua đầu năm. Với kết quả tăng trưởng ngoạn mục, VNDirect đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 2.000 tỷ đồng. Theo ước tính, lợi nhuận trước thuế năm nay vào khoảng 2.800 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch điều chỉnh và là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Trong bối cảnh quy mô thị trường được dự báo tăng trưởng mạnh trong những năm tới, cùng việc giao dịch T+0 có thể sắp thành hiện thực, VNDirect đang sớm có những kế hoạch tiếp tục tăng vốn để tận dụng cơ hội thị trường. Theo dự kiến, vốn điều lệ VNDirect có thể sớm lên hơn 12.000 tỷ đồng và trở thành một trong hai công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Tại ĐHCĐ bất thường vừa diễn ra đầu tháng 12, bà Phạm Minh Hương cho biết, ở đợt tăng vốn vào giữa năm, VNDirect đã sử dụng hết hạn mức chỉ sau 2 tháng và đã chạm trần của UBCKNN. Do đó, VNDirect cần tiếp tục tăng vốn để đón nhận chu kỳ tăng trưởng mới.
Đi cùng với tăng vốn, thị phần môi giới VNDirect liên tục cải thiện qua các quý và nằm trong top 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và hầu hết công ty chứng khoán top đầu đều đánh mất thị phần.
Sự bùng nổ của thị trường kéo theo nhiều phiên giao dịch với thanh khoản "tỷ đô", thậm chí vượt mốc 2 tỷ USD (~46.000 tỷ đồng). Với dòng tiền "cuồn cuộn" đổ vào, hệ thống giao dịch của Sở GDCK TP.HCM (HoSE)gặp sự cố nghẽn lệnh. Việc nghẽn lệnh kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao dịch của nhà đầu tư cũng như uy tín của thị trường.
Mặc dù UBCKNN đưa ra giải pháp tình thế nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh nhưng tình trạng nghẽn lệnh vẫn tiếp diễn, còn hệ thống mới (KRX) chậm tiến độ do ảnh hưởng của Covid-19. UBCKNN đã họp bàn với các thành viên thị trường và đưa ra giải pháp tạm chuyển một số công ty niêm yết sang HNX để giảm tải cho hệ thống HoSE.
VNDirect đã xung phong và trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tạm chuyển niêm yết sang HNX. Việc tạm sang HNX cũng phát sinh ảnh hưởng khi cổ phiếu VND bị loại khỏi rổ VNFinLead.
Trong số các doanh nghiệp tạm "chuyển nhà", VND là cái tên nổi bật nhất về vốn hóa cũng như thanh khoản với hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Việc tạm "chuyển nhà" sang HNX của VNDirect được cộng đồng đầu tư đánh giá cao bởi khi đó không nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng làm điều tương tự để hỗ trợ thị trường.
Quy mô thị trường tăng trưởng mạnh trong năm 2021 cũng gây ra tình trạng nghẽn lệnh tại các công ty chứng khoán và VNDirect cũng không ngoại lệ. Thậm chí, có thời điểm bảng giá VNDirect, một trong những bảng giá chứng khoán được nhà đầu tư dùng nhiều nhất thị trường cũng gặp sự cố khi lượng truy cập tăng đột biến, lên tới vài trăm ngàn lượt mỗi ngày.
Để giải quyết vấn đề quá tải về lệnh, hạ tầng công nghệ của VNDirect đã được nâng cấp với mô hình phân tán trên nền tảng của nhiều nhà cung cấp dịch vụ Cloud lớn trong và ngoài nước. Với công nghệ Auto-scale, hệ thống của VNDirect tự động thêm server khi tải người dùng tăng và tự động thu bớt khi xuống thấp. Điều này giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí dành cho việc mở rộng năng lực phục vụ của hệ thống, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nhà đầu tư trong các điều kiện thị trường khác nhau.
Để áp dụng nhanh chóng, hiệu quả công nghệ Auto-scale với chi phí hợp lý, khả năng mở rộng không giới hạn mà không tốn nhiều công sức vận hành, VNDirect hợp tác triển khai và tích hợp giải pháp cho Bảng giá điện tử cùng Bizfly Cloud, nhà cung cấp hạ tầng công nghệ đám mây trong nước. Nhà cung cấp này có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý lượt truy cập tăng cao đột ngột tới vài trăm lần vượt quá năng lực tính toán của hệ thống máy chủ của các công ty chứng khoán lớn, các trang báo điện tử, truyền hình, cổng thanh toán điện tử…
Với những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục về hoạt động kinh doanh trong năm 2021, cổ phiếu VND cũng tăng theo "cấp số nhân". Kết thúc phiên giao dịch 20/12, thị giá VND đạt 85.000 đồng/cổ phiếu, tăng 4,6 lần so với thời điểm đầu năm. VND là cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất ngành chứng khoán trong năm 2021 (chỉ tính các CTCK top 20).
Tại mức giá này, vốn hóa thị trường VNDirect đạt hơn 37.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), vượt qua Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trở thành công ty chứng khoán có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2021 có thể coi là bước tiến lớn với VNDirect khi mà thời điểm cuối năm trước, vốn hóa công ty chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng và là "midcap" không quá nổi bật. Còn hiện tại, VND đã bứt phá để trở thành "bluechip tỷ đô" trên sàn chứng khoán. Hiện nay, quy mô vốn cũng như vốn hóa VNDirect thậm chí còn lớn hơn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung. VND cũng là cái tên góp mặt trong danh mục của nhiều quỹ ETFs lớn trên thị trường như SSIAM VNFinlead ETF, VNM ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF…
Theo chia sẻ của bà Phạm Minh Hương tại ĐHCĐ bất thường vừa diễn ra, hiện có khá nhiều định chế tài chính tiếp cận VNDirect và công ty có thể xem xét kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. VNDirect cũng đã hoàn tất việc nới room ngoại lên mức tối đa 100%.
Về chiến lược kinh doanh năm 2022, bà Hương cho biết VNDirect sẽ tập trung vào ba năng lực lõi, bao gồm gồm công nghệ, con người và xây dựng năng lực nghiên cứu sản phẩm, giải pháp tài chính phù hợp cho từng khách hàng mục tiêu. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến sẽ lên tới 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với năm nay. Đây tiếp tục là một đỉnh cao mới của VNDirect.
Trong báo cáo gần đây, SSI Research dự báo giá trị giao dịch trung bình năm 2022 của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng 15% so với năm nay trong bối cảnh môi trường lãi suất dài hạn thấp hơn. Điều này sẽ thúc đẩy người gửi tiền ngân hàng tìm kiếm lợi suất cao hơn ở những kênh đầu tư khác và mang lại nhiều cơ hội cho các công ty chứng khoán, bao gồm VNDirect.
"Tương tự như các công ty cùng ngành, VNDirect đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và chúng tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa", báo cáo SSI Research cho biết.