Hàng loạt tàu 67 được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng. Ảnh tư liệu
Ngư dân có một năm bận họp như... quan chức với 40 cuộc họp
Ngày cuối năm, ngồi ngẫm lại sự cố tàu hư hỏng vừa trải qua, ngư dân Đinh Công Khánh - Chủ tàu vỏ thép có giá trị gần 20 tỷ đồng (được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn còn bàng hoàng trong nỗi sợ hãi.
“Trước khi đóng tàu vỏ thép, gia đình tôi nương nhờ vào chiếc tàu vỏ gỗ, mỗi tháng kiếm khoảng 80 triệu cho đến vài trăm triệu đồng, đều như vắt chanh. Năm 2015, tôi vay hơn 18 tỷ đồng đóng tàu 67, nhưng vừa đóng xong đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, liên tiếp lỗ đến 600 triệu đồng. Từ đó, cuộc sống của gia đình tôi như rơi vào cơn ác mộng”, ông Khánh nhớ lại.
Ngư dân Đinh Công Khánh đã trải qua 1 năm đầy nỗi sợ hãi, buồn bã. Ảnh: D.T
Để “chữa bệnh” cho tàu, ông Khánh phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không đủ, rồi bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng. Con tàu vỏ thép mang bệnh khiến ông lâm nợ, vợ chồng cãi vã… mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát.
“Lỗi này là do doanh nghiệp đóng tàu, họ dùng máy không chính hãng khiến tàu hư hỏng. 20 lao động không có công ăn việc làm, còn tôi thì khư khư giữ tàu chứ không đi đâu được. Bạn đi biển cũng bỏ tàu, tôi mua 6 triệu/ tháng/ người nhưng chả ai dám theo vì tàu hư hỏng quá nhiều. Sau nhiều tháng kiên trì đấu tranh, doanh nghiệp đã chịu sửa chữa, đồng ý xem xét phương án đền bù nhưng chúng tôi vẫn chưa biết khi nào tàu sửa xong để vươn khơi. Thật sự, tôi quá nhớ biển”- ông Khánh buồn bã nói.
Ngư dân Lê Văn Thãi - Chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) ví von, năm 2017 thay vì tất bật vươn khơi, hôi tanh mùi cá, mực… trực chiến ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông lại mặc quần áo chỉnh tề, gọn gàng hiếm thấy và đặc biệt bận đi họp như “quan chức”.
“Thú thật, đã hơn 40 cuộc họp với doanh nghiệp đóng tàu rồi nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa biết được khi nào được trở lại ngư trường. Tổng thiệt hại của gia đình tôi đã lên đến 2,8 tỷ đồng, đây là số tiền bắt buộc Công ty phải bồi thường cho chúng tôi nhưng vẫn chưa thấy đâu”, ông Thãi chia sẻ.
Ngư dân Võ Tuân ngủ dưới thân tàu hư hỏng chờ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khắc phục. Ảnh: D.T
“Mạnh, Khỏe”… đã không còn khỏe mạnh
Đó là tâm sự của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tàu vỏ thép BĐ 99567 TS (đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) khi nhắc về khoảng thời gian sóng gió mà 2 cha con ông đã trải qua.
“Tôi tên Mạnh, con trai tôi là thuyền trưởng tên Khỏe. Cái tên này có hàm ý mong muôn sức khỏe tốt đẹp đối với người đi biển. Thế nhưng từ khi nhận con tàu hư hỏng thì cả cha và con đều không còn khỏe mạnh như cái tên vốn có”, ông Mạnh nói.
Để sở hữu con tàu này, ông Mạnh phải vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng, sau khi nhận bàn giao được một thời gian thì liên tiếp xảy ra sự cố, hư hỏng.
Ông Mạnh buồn bã: “Thú thật, bản thân tôi mệt mỏi quá rồi, viễn cảnh tù tội do không trả được nợ cứ quanh quẫn trong đầu. Cả đời đi biển, đối mặt với sóng dữ, tôi chẳng ngán. Nhưng đến khi tàu hỏng, ngư dân nằm bờ trong khi còn quá nhiều nỗi lo, lỗi của doanh nghiệp là quá lớn”.
Con tàu tiền tỷ của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh nằm bờ vì hư hỏng. Ảnh tư liệu
Trong khi đó, ngư dân Mai Văn Chương - Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS cho biết, mặc dù đã đồng ý giữ lại thép Trung Quốc và yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tính toán phần chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc, đền bù cho ngư dân nhưng ông vẫn còn rất nhiều nỗi lo.
“Tàu hư hỏng khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Nhiều tháng qua, tôi phải lặn lội từ Phù Cát ra Hoài Nhơn để canh tàu, theo dõi doanh nghiệp sửa chữa. Trong quá trình sửa chữa, phát sinh rất nhiều vấn đề lo ngại đến chất lượng con tàu nhưng giờ lâm vào nước đường cùng rồi nên chúng tôi đành chịu”, ông Chương than vãn.
Niềm tin… bị đánh mất
Tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định (ngày 29.12), 5 ngư dân yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đền bù, hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc công ty này cho rằng, số tiền yêu cầu đền bù là quá lớn và đề nghị được gặp ngư dân để thương thảo và hứa bồi thường những khoản hợp lý. Điều này khá bất ngờ, bởi cách đây không lâu (ngày 7.12), chính ông Nguyên cũng là người ký văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, khẳng định yêu cầu đền bù của ngư dân là chưa hợp lý và đã từ chối đền bù. Tuy nhiên, thật đáng buồn, khi chúng tôi phỏng vấn sau cuộc họp thì nhiều ngư dân đã tỏ ra nghi ngờ với lời hứa của ông Giám đốc doanh nghiệp.
Theo ông Trần Minh Vương- Chủ tàu BĐ 99027 TS, số tiền ông đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường thiệt hại do tàu bị hư hỏng phải nằm bờ trong gần 1 năm qua là hơn 1,7 tỉ đồng. “Phần lớn các khoản tôi kê ra để yêu cầu bồi thường đều chính đáng. Vậy nhưng Công ty Đại Nguyên Dương lại bảo quá cao, tôi không hiểu cao như thế nào. Tôi thật sự không còn niềm tin đối với đơn vị đóng tàu này vì trước giờ họ hứa nhiều chứ chưa làm được bao nhiêu" - ông Vương bày tỏ.
Mất niềm tin vào doanh nghiệp, ngư dân Nguyễn Văn Lý đề nghị công an điều tra làm rõ sai phạm. Ảnh: D.T
Còn ngư dân Nguyễn Văn Lý - Chủ tàu BĐ 99004 TS cũng tỏ ra nghi ngờ về cam kết bồi thường của Công ty Đại Nguyên Dương. Theo ông Lý, trước đây Công ty Đại Nguyên Dương đã thẳng thừng từ chối bồi thường cho ngư dân. Tuy nhiên, mới đây, họ lại thay đổi thái độ, cam kết bồi thường.
“Có lẽ Công ty Đại Nguyên Dương sợ bị công an xử lý nên họ mới xuống nước, cam kết sẽ bồi thường cho qua chuyện. Nếu họ biết suy nghĩ thì đã không từ chối bồi thường như những lần làm việc trước đó. Ngư dân đã mất niềm tin đối với lời hứa của doanh nghiệp, chỉ mong Bộ công an điều tra làm rõ ai đúng, ai sai để chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Lý nói.
Bộ Công an có chuyên án về "Tàu 67 hư hỏng" Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi 2 doanh nghiệp về yêu cầu đền bù thiệt hại đối với 19 chủ tàu vỏ thép vừa đóng mới đã bị hư hỏng. Theo đó, 14 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu yêu cầu doanh nghiệp đền bù, hỗ trợ với số tiền hơn 36,5 tỷ đồng, 5 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương yêu cầu hơn 9 tỷ đồng. Trong thời gian tới đây, ngư dân và doanh nghiệp sẽ bàn bạc để đưa ra con số đền bù chính thức. “Đây là vụ việc mà Bộ Công an đã đưa ra chuyên án rồi, nếu doanh nghiệp thiện chí thì sẽ tốt hơn. Về phía ngư dân, những phần nào thiệt hại do cơ sở đóng tàu gây ra thì mới yêu cầu đền bù, làm sao phải vừa có lý, có tình. Từ nay đến ngày 15.1.2018, doanh nghiệp phải hoàn thành sửa chữa và sớm đền bù cho ngư dân”, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị. |