Những ngày này, người dân nuôi thỏ ở Nam Định đang dùng đủ mọi cách để tiêu thụ thỏ, nhưng cũng không được là bao. Hàng vạn con thỏ đến tuổi xuất bán nhưng vẫn nằm trong chuồng. Người nuôi đành bất lực nhìn đàn thỏ ngày ngày ăn tốn thức ăn, sáng cứ mở mắt ra là lỗ vài triệu đồng.
Do ảnh hưởng dịch Covid -19 khiến đầu ra của thỏ thịt gặp khó, anh Toản rơi vào cảnnh thua lỗ, nợ nần...
Gia đình anh Trần Văn Toản (30 tuổi, trú ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) là một trong những hộ nuôi thỏ nhiều nhất nhì ở xã Hải Đông và những năm qua giàu lên nhờ con thỏ. Nhưng hiện tại thì đàn thỏ đang khiến gia đình anh rơi vào cảnh thua lỗ.
Anh Toản ngậm ngùi cho biết, trước kia tháng nào gia đình anh cũng bán ra hơn 2 tấn thỏ thịt thương phẩm, có khi giá thỏ thịt lên đến cả 100 ngàn/kg. Nhưng hơn một tháng nay, giá thỏ liên tục giảm đến mức khó tin, giá thấp đã đành nhưng muốn bán cũng không có ai mua.
Dù các thành viên của gia đình anh dùng đủ cách để tim mối tiêu thụ thỏ, được con nào hay con nấy để bớt gánh nặng thua lỗ. Tuy vậy, lượng bán ra chỉ nhỏ giọt, được khoảng vài con/ngày, không thấm là bao với số lượng hàng nghìn con đang trong nằm trong chuồng của gia đình anh.
Hàng nghìn con thỏ đã đến tuổi bán những vẫn nằm im trong chuồng. Không cho ăn thì thỏ chết, cho ăn ít thì thỏ gầy đi, cho ăn đủ thì chủ nuôi lỗ nặng....
“Hiện số lượng tồn đọng của gia đình đã lên đến gần 5.000 con. Dù tôi chỉ cho thỏ ăn ở mức cầm chừng để giảm thiểu thua lỗ nhưng mỗi ngày cũng tốn kém gần 4 triệu đồng tiền cám. Giờ đại lý cám không bán chịu nữa, gia đình tôi chỉ cầm cự được vài tuần tới. Nếu tình hình cứ tiếp tục thì gia đình tôi không biết lấy gì xoay sở”, anh Toản buồn rầu nói thêm.
Lý giải đầu ra thỏ thịt gặp khó, anh Toản cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (virus corona chủng mới), các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn, đám xá, cưới xin... đang dừng hoạt động là nguyên nhân chính khiến thỏ bán không có người mua. mặc dù giá chạm đáy chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg.
Cùng chung tình cảnh là anh Đoàn Văn Chung (28 tuổi) ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường (Nam Định) cũng đang bên bờ vực phá sản bởi đàn thỏ quá lứa, phải nuôi "báo cô".
Đầu năm ngoái, anh vay mượn được gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây trang trại, mua thỏ giống về nuôi với ước mơ làm giàu. Giàu thì chưa thấy, nhưng trước mắt chỉ thấy ôm một đống nợ lớn, cứ mở mắt ra là anh đã biết hôm nay mình rơi mất hơn 2 triệu đồng.
Cứ mở mắt ra mỗi sáng là anh Chung lỗ mất hơn 2 triệu đồng tiền cám nuôi "báo cô" cả ngàn con thỏ quá lứa. Dù đã tìm mọi cách để tiêu thụ thỏ thịt nhưng đều vô vọng.
Mới trải qua hơn 1 tháng khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp mà hai vợ chồng anh Chung phờ phạc, gầy đi trông thấy, sức lực cũng cạn kiệt dần theo đàn thỏ. Mệt mỏi, nhiều khi phát khóc, nhưng 2 vợ chồng đành nuốt nước mắt vào trong.
Dù quá mệt mỏi, nhưng anh chị vẫn không dám buông bỏ, bán được con nào là hay con ấy, còn người là còn của. "Chúng tôi đã quá kiệt sức nhưng giờ bỏ tài sản của mình tốn kém bao công sức gây dựng cũng không đành nên phải gượng dậy, cố gắng hy vọng tìm được cửa sáng, mong sao dịch giã sớm chấm dứt...", anh Chung thở dài.
Anh Chung nghẹn ngào nói, thỏ thì đến tuổi xuất nhưng khổ lại không có người mua, để nuôi thì càng lỗ thêm, gia đình đã tìm mọi cách để bán nhưng bất thành. Ngày ngày hai vợ chồng anh tự giết mổ để mang ra chợ bán nhưng cũng không thấm là bao, ngày nào may mắn lắm cũng chỉ bán được 8 -10 con.
“Gần 3.000 con thỏ, tháng nào chúng cũng ăn hết của tôi hơn 60 triệu đồng tiền cám mà ngày bán được có mấy trăm ngàn thịt thỏ thì không biết tôi lấy cái gì để nuôi chúng đây. Làm gì cũng bằng vốn vay mượn hết nên tôi chỉ mong sao bán được để giảm thiểu thua lỗ”, anh Chung bất lực nói thêm.
Để giảm thiểu thua lỗ, phần lớn số thỏ nái của các trại tạm thời cho nghỉ đẻ và nuôi dưỡng đợi tình hình khả quan hơn.
Theo tính toán của anh Chung, chi phí sản xuất 1kg thỏ hơi dao động từ 65.000 đến 70.000 đồng, nếu bán được với giá hơn 50.000 đồng như hiện nay thì người chăn nuôi như anh sẽ lỗ nặng. Còn cứ tiếp tục nuôi "báo cô" thỏ quá lứa thì không biết khoản nợ này lên bao nhiêu nữa.
“Hiện tại những người chăn nuôi thỏ như chúng tôi đang rất khó khăn, mong các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ cho bà con được vay vốn ưu đãi và cùng chung tay giải cứu thỏ thịt cho nông dân, hạn chế các khoản thua lỗ mà chúng tôi đang gặp phải trong gia đoạn khó khăn này. Nói ra thật ngại, nhưng cũng đành vậy...”, anh Chung bày tỏ.