Chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngân hàng BIDV mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, một trong những điểm sáng nhất của điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua là tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Cụ thể, nếu như thời điểm 2016, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 31 tỷ USD thì đến cuối năm 2019 Việt Nam đã có dự trữ ở mức 79,9 tỷ USD. "Trong 4 năm vừa qua, NHNN đã tăng hơn 48 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Điều này có được là nhờ chính sách về tỷ giá, ngoại hối rất đồng bộ, ban hành đúng và trúng, kết hợp chặt chẽ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó có lộ trình để giảm việc huy động và cho vay vốn bằng đồng USD, áp trần lãi suất kết hợp với điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt và điều hành các chính sách tiền tệ khác bằng đồng Việt Nam" - Thống đốc nói.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết số ngoại tệ lớn mua để tăng dự trữ ngoại hối như vậy một phần nhờ FDI, FII, kiều hối, một phần lớn nhờ các doanh nghiệp, người dân đã giảm nắm giữ ngoại tệ, chuyển sang nắm giữ tiền Đồng.
Thống đốc khẳng định, có được kết quả này, NHNN không áp dụng các biện pháp hành chính để thay đổi hành vi, thói quen nắm giữ ngoại tệ, mà áp dụng các biện pháp kinh tế để người dân, doanh nghiệp thấy được nắm giữ đồng Việt Nam là có lợi nhất, tự khắc họ sẽ có sự chuyển dịch.
Thống đốc chỉ rõ: NHNN cũng kiểm soát tốt tâm lý kỳ vọng về tỷ giá. Trước đây, trong nền kinh tế, không ít người có tâm lý tiền đồng luôn mất giá, nhưng trong thời gian qua, NHNN đã điều hành rất linh hoạt tạo một công cụ, một tấm đệm, nguồn lực để củng cố nguồn lực quốc gia, củng cố lòng tin vào năng lực của NHTW để xử lý những bất lợi từ kinh tế quốc tế và khu vực. Đây là một trong những yếu tố thành công về mặt điều hành, tất cả các nhu cầu của nền kinh tế về ngoại tệ đều được đáp ứng, chúng ta đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì vậy, vừa qua nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhìn vào điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối của NHNN đã nâng mức xếp hạng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thống đốc cũng cho biết thêm, nhiều năm vừa qua, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đặc biệt lạm phát cơ bản – chỉ số thể hiện rõ nhất kết quả điều hành tiền tệ, NHNN đã kiểm soát trong biên độ 1,4% và năm 2019 là 2,01%. Trong năm 2019, NHNN đã mua trên 20 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, tức là đã cung ứng ra thị trường một lượng thanh khoản đồng Việt Nam xấp xỉ 500 ngàn tỷ. 4 năm qua NHNN mua vào 48 tỷ USD tức là đưa khoảng 1,1 triệu tỷ đồng Việt Nam ra nền kinh tế nhưng không gây áp lực lạm phát. Điều đó có nghĩa là điều hành vĩ mô của NHNN, đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ, thanh khoản rất nhịp nhàng, đồng bộ, linh hoạt để giữ được ổn định, nhưng không gây ra khó khăn về thanh khoản cục bộ.