Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ, trong đó đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV). Theo đó, ACV sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, để đảm bảo cao nhất về an ninh, quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Năm 2015, sự kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của ACV trở thành tiêu điểm của giới đầu tư trong và ngoài nước, kỳ vọng mang lại một cú hích mới cho ngành hàng không Việt Nam. Phiên đấu giá theo đó thành công lớn khi bán toàn bộ 77,8 triệu cổ phần tại giá bình quân 14.344 đồng/cp, so với giá khởi điểm 11.800 đồng/cp. Tổng số tiền Nhà nước thu về hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia của có 19 nhà đầu tư tổ chức trúng giá.
Theo phương án cổ phần hóa ACV, Nhà nước dự kiến nắm giữ là 1,68 tỷ cổ phần (75% vốn), bán cho nhà đầu tư chiến lược 448,62 triệu cổ phần (20% vốn), bán đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn), còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV.
Tuy nhiên, ACV chưa thể triển khai chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn nhất đến nay vẫn là Bộ Giao thông Vận tải chiếm 95,4% vốn. Sau đó, công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ 21/11/2016 với giá chào sàn 25.000 đồng/cổ phiếu.
Số cổ phần mà Nhà nước nếu muốn mua lại là hơn 100 triệu cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch 3/9, ACV đóng cửa tại mức 81.200 đồng/cp, tạm tính tại giá này, số tiền Nhà nước chi ra sẽ không thấp hơn 8.100 tỷ đồng (344 triệu USD). Cũng tại mức giá trên, ACV hiện có vốn hóa gần 177.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 về vốn hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thường nằm trong top những khoản nắm giữ của các quỹ ngoại hàng đầu như Dragon Capital hay VinaCapital…
Biến động giá ACV từ khi lên UPCoM. Nguồn: VNDirect
VEIL và VOF nắm giữ lượng lớn cổ phần ACV
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital) chính là một trong những tổ chức tham gia đợt IPO của ACV hồi tháng 12/2015. Trong danh mục gần 50 cổ phiếu, ACV là 1 trong 4 cổ phiếu hiếm hoi trên UPCoM được VEIL đưa vào danh mục, không những thế ACV còn thường xuyên nằm trong top 10 của quỹ tỷ đô này.
Tính đến cuối năm 2018, khoản đầu tư ACV có giá vốn 7,23 triệu USD (giá trị thị trường 43,8 triệu USD), chiếm 3,05% tổng tài sản ròng (NAV) và đứng thứ 9 trong danh mục VEIL. Trong khi đó, giá vốn đầu tư cuối năm 2017 là 9,5 triệu USD (giá thị trường 76,5 triệu USD), cho thấy VEIL đã bán cổ phần ACV trong năm 2018.
Việc bán cổ phần có khả năng tiếp diễn trong năm 2019 khi ACV chính thức rời khỏi top 10 danh mục của VEIL kể từ 17/1 đến nay.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF – quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cũng tham gia IPO ACV và thường xuyên giữ cổ phiếu này ở vị trí thứ 3 trong danh mục. Tính đến cuối tháng 7, ACV chiếm khoảng 8,5% NAV của quỹ đầu tư có tổng tài sản 930 triệu USD này (tương ứng hơn 79 triệu USD).
Một quỹ khác cũng từng nắm giữ cổ phần ACV là Asset Plus Vietnam Growth Fund (ASP-Viet Fund). Theo dữ liệu Bloomberg tại ngày 18/1/2018, ASP-Viet sở hữu 292.800 cổ phiếu ACV, tương đương với 1,54% NAV của quỹ Thái Lan này.
Chậm chuyển sàn sang HoSE do cơ chế quản lý khu bay
ACV thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam, là đơn vị duy nhất quản lý và vận hành 21 cảng hàng không dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế.
Mặc dù có mức vốn hoá lớn thứ 6 thị trường chứng khoán Việt Nam và các chỉ số tài chính đủ điều kiện niêm yết HoSE, ACV vẫn chưa thể chuyển sàn. VOF cho biết một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ACV thời gian qua là do chậm niêm yết trên HoSE. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ACV cho biết kế hoạch niêm yết phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại như quyết toán cổ phần hóa, cơ chế khu bay…
Đầu tiên ACV phải thực hiện quyết toán được phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dù đã hơn 3 năm sau IPO, ngoài ra doanh nghiệp cũng cần xử lý quyết toán thuế.
Vấn đề thứ 2 cũng là vấn đề then chốt là cơ chế quản lý khu bay, chủ yếu là phân định giữa tài sản của ACV và tài sản Nhà nước. Các tài sản trong khu bay gồm nhiều tài sản khác nhau được sử dụng trong phần diện tích sân bay và được sử dụng cho máy bay cất, hạ cánh và lăn. Tài sản khu bay đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh thông qua doanh thu từ phí dịch vụ cất hạ cánh do tính độc quyền trong khai thác của ACV.
Vấn đề sửa đường băng cũng chưa được quyết định vì đây là tài sản của Nhà nước, phải đợi Chính phủ duyệt đề án khu bay.
Kể từ khi cổ phần hóa (4/2016), hoạt động kinh doanh của ACV có chiều hướng tăng trưởng rõ rệt về cả doanh thu và lợi nhuận, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không. Năm 2018, doanh nghiệp lãi kỷ lục 6.148 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu ACV tăng 12% lên 8.909 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20% lên 3.703 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khởi sắc của ACV sau cổ phần hoá |