Phục hồi theo hình chữ V
Hơn một năm sau ngày TPHCM quyết định dỡ phong toả - các hàng quán dọc con đường Bùi Viện, quận 1, tấp nập khách Tây. Bên trong các quán ken cứng người đang ăn uống, nói cười rôm rả. Đây là một trong những tuyến phố đi bộ sầm uất với nhiều quán ăn, nhà hàng nhất TPHCM. Không khí này khác hẳn cảnh cửa đóng, then cài cùng các chồng ghế chất đống, bám đầy bụi của một năm trước khi cả TPHCM thực hiện giãn cách. Nhiều nơi khác như chợ Bến Thành, các trung tâm thương mại khác của TPHCM cũng nhộn nhịp khách mua bán. Mọi hoạt động giao thương trên toàn địa bàn đã thực sự hồi sinh.
Sản xuất công nghiệp TPHCM phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19
Năm trước, COVID-19 và nhất là 4 tháng cao điểm giãn cách để lại một vết thương lớn cho đầu tàu kinh tế đất nước. Vào thời điểm kết thúc tháng 9/2021 - trước khi mở cửa lại kinh tế - lần đầu tiên trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng GRDP quý III của TPHCM giảm hơn 24% so với cùng kỳ 2020, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 âm 6,78%.
Thiệt hại vì dịch cho cả hai năm 2020 và 2021 vào khoảng 273.000 tỷ đồng - tương đương 11,9 tỷ USD. Dù bước ra khỏi giãn cách với đổ vỡ ngổn ngang, TPHCM vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm 2022, trong bối cảnh phải tiếp tục kiểm soát dịch bệnh.
TPHCM xây dựng chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025 với quan điểm và mục tiêu rõ ràng cho 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn phục hồi (đến hết năm 2022) gồm các nỗ lực khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Giai đoạn phát triển kế tiếp có mốc thời gian từ năm 2023 - 2025 sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TPHCM.
Nhờ đó, ngay khi được trở lại đường đua, sự năng động vốn có của nền kinh tế dần hồi sinh một cách tự nhiên. Tốc độ hồi phục của TPHCM thậm chí nhanh hơn dự kiến ban đầu. Chỉ mất 9 tháng để biểu đồ tăng trưởng GRDP hoàn thiện hình chữ V. “Kinh tế TPHCM đã cơ bản hồi phục, đánh dấu sự tăng trưởng bằng loạt mốc kỷ lục mới của ngành công nghiệp”, báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM quý III/2022 do Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM vừa phát hành nhấn mạnh.
Cầu Thủ Thiêm 2 thi công xuyên dịch để kịp khánh thành vào ngày 30/4/2022. Ảnh: Phạm Nguyễn
Trong đại dịch COVID-19, quận 7 là một trong những quận đầu tiên thực hiện kiểm soát dịch thành công. Bây giờ, quận 7 cũng đã đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 41.849 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước ước thu được 3.924,3 tỷ đồng, đạt 105,49% so với kế hoạch năm, tăng 50,63% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới là 1.748, tăng 18,03% so với cùng kỳ… Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, sau khi khống chế dịch bệnh, Quận ủy quận 7 đã nhanh chóng, linh hoạt thực hiện các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; có những chính sách miễn giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ người lao động kịp thời để an tâm sản xuất…
Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của TPHCM đã được đưa vào sử dụng trong năm 2022, tạo động lực thúc đẩy kinh tế TPHCM. Ảnh: Phạm Nguyễn
Tương tự, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, huyện đã tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội dưới sự hỗ trợ của TPHCM. 9 tháng đầu năm 2022, huyện Nhà Bè đã có thêm 736 doanh nghiệp, gần 400 hộ kinh doanh cá thể. Huyện Nhà Bè đã thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ bằng 100% chỉ tiêu năm 2022 so với dự toán được giao, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
“Sau đại dịch, tất cả dự án mà huyện ấp ủ làm đều đã được khởi động và có rất nhiều dự án về đích, như Cầu Đông Kiểng đã hoàn thiện quá trình bàn giao mặt bằng; thông xe tuyến đường Ngô Quang Thắm, giai đoạn 1 tuyến đường Phạm Hữu Lầu... Huyện Nhà Bè đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Bệnh viện Nhà Bè để tiếp tục cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân...”, ông Lê Nguyễn nói.
10 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách của TPHCM là 392.790 tỷ đồng, đạt hơn 101%, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa đạt gần 103% dự toán; thu từ hoạt động xuất khẩu là đạt hơn 98% dự toán. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đứng đầu cả nước.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, từ khi Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay chưa tròn 2 năm đã trải qua 3 mốc thời gian ngắn nhưng có tính lịch sử. Giai đoạn đầu, toàn TPHCM rất khí thế chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Tuy nhiên sau đó, thành phố phải tập trung toàn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19 lần thứ 4 với những thử thách khốc liệt chưa từng có trong tiền lệ.
Giai đoạn thứ 3, TPHCM tập trung kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển và giải quyết những vấn đề phức tạp còn tồn đọng.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đã đề xuất chủ đề năm 2023 của TPHCM là “Phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”.
Cần động lực mới
Cách đây hơn 1 năm, TPHCM đưa ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo từng cấp độ. Việc TPHCM mở cửa trở lại là một quyết định đúng đắn, giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh chóng và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lương Duy Sinh, Công ty GIMC nói rằng, để TPHCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một trung tâm lớn về kinh tế xã hội, khoa học công nghệ thì TPHCM cần một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện cho TPHCM tăng tốc phát triển, sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Cụ thể, TPHCM cần có cơ chế đặc thù riêng cho đô thị đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn. Đồng thời, tập trung tăng nguồn lực để TPHCM đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng, tạo thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, cần sớm có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội để tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Cụ thể, theo hướng tích hợp tất cả các cơ chế, chính sách mà TPHCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế xã hội của cả nước.
GS. TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, thời gian tới, TPHCM cần củng cố 4 trụ cột cơ bản để nâng cao sức khỏe nền kinh tế, vừa duy trì đà phục hồi vừa sẵn sàng chống chịu những biến số bất ngờ của kinh tế toàn cầu. Trong đó, trọng tâm vẫn là an toàn, an sinh xã hội cho những người sinh sống tại đây. Cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế vì nó là xương sống tạo niềm tin thu hút người lao động, nhà đầu tư tìm đến. Để tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp đến dịch vụ, đổi mới sáng tạo thuận lợi phát triển cần nâng cao hệ sinh thái quản trị. Theo đó, TPHCM cần số hóa tốt hơn, hành lang hành chính thông thoáng, nhanh và thân thiện hơn. Muốn tăng trưởng bền vững phải giải quyết được cơ sở hạ tầng. Tiến độ các dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị, khép kín đường Vành đai 2 và triển khai Vành đai 3 cần đẩy nhanh. Khi hệ thống hạ tầng hoàn thiện hơn, dòng luân chuyển hàng hóa sẽ mạnh và cạnh tranh chi phí logistics tốt hơn. Cuối cùng là trụ cột đổi mới sáng tạo. TPHCM không thể tiếp tục đi sâu vào thâm dụng lao động mà cần những mô hình kinh tế mới dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần có những chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái này. Việc giảm thâm dụng lao động và thay bằng thâm dụng tri thức, công nghệ, sáng tạo mới thực sự giúp TPHCM xứng đáng là hình mẫu tiên phong về đổi mới và tăng trưởng ở Việt Nam.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đã đề xuất chủ đề năm 2023 của TPHCM là “Phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”. Sở này cũng đưa ra 19 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 để thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển. Trong đó, có 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 5 chỉ tiêu về môi trường đô thị, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Bà Mai đưa ra 10 giải pháp để thúc đẩy kinh tế TPHCM khởi sắc hơn trong thời gian tới. Cụ thể, TPHCM cần chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế xã hội, thích ứng với tình hình trong nước và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch của TPHCM, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù. Xây dựng tốt mô hình chính quyền đô thị. Cùng đó là tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, đẩy nhanh các dự án trọng điểm của thành phố Triển khai chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực, nhất là dịch vụ du lịch - thương mại. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường. Đồng thời chú trọng phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa, môi trường... Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Thế giới không ngừng biến động, nên thành phố chỉ một con đường là tiếp tục tiến lên. Hiện nay, các thảo luận từ trung ương và thành phố thường xoay quanh những điểm nghẽn về đầu tư công, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cơ chế… làm giảm tốc sự phát triển của thành phố, khiến khoảng cách ưu thế của thành phố so với các địa phương khác ngày càng ngắn hơn.
Việc chúng ta nghĩ quá nhiều về vai trò trong nước của TPHCM có thể làm chúng ta lỡ cơ hội đưa thành phố lên một vị thế quốc tế tương xứng. Tôi nói thế này sẽ có người phản biện, chưa tốt vai trò trong nước đã vội tính vai trò quốc tế. Thực chất không phải vậy, khi Việt Nam muốn xây dựng vai trò một quốc gia quan trọng trong khu vực và trên thế giới, thì việc có một trung tâm kinh doanh quốc tế là con đường ngắn nhất để đạt được vị thế quốc gia.
Nói thế để thấy được, cần thay đổi định vị chiến lược cho thành phố từ một “đầu tàu quốc gia” trở thành một “thành phố quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Sự thay đổi từ một vị thế nặng về trách nhiệm, sang một vị thế tự do kiến tạo không giới hạn sẽ giúp khai mở những nguồn năng lượng dồi dào còn đang bị kìm nén bên trong và chưa có lối vào từ bên ngoài.
Bàn về vị thế quốc tế, TPHCM đương nhiên phải đạt được các chuẩn mực toàn diện về phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhưng để có được lợi thế cạnh tranh nổi bật để thu hút đối tác quốc tế thì chuẩn mực thôi chưa đủ, mà cần có điểm nhấn, cá tính riêng.
Thực tế cho thấy, phục hồi lượng khách du lịch quốc tế không được như kỳ vọng trong năm 2022 của TPHCM phần nào phản ánh sức sáng tạo đang đuối dần của ngành du lịch mũi nhọn. Hay như, khu công nghệ cao SHTP tại quận 9, năm nay đã tròn 20 tuổi với 95% diện tích đất thương phẩm đã giao nhưng mỗi ngày đi qua tôi vẫn thấy rất nhiều đất trống chưa biết bao giờ mới được lấp đầy… Đó là những ví dụ cho thấy TP.HCM như một bàn tiệc nhưng thiếu đi một vài món ngon đặc sắc để người ta nghĩ tới món đó là nghĩ tới và phải tới mảnh đất này.
Có những thứ rất bình thường, cũng có thể tạo nên thương hiệu, nhưng chúng ta lại không chú trọng vì đang mải mê tìm kiếm những điều to tát.
Chắc ít ai ở Việt Nam biết tới “Vibrant Ho Chi Minh City - Sống động từng trải nghiệm”. Tìm kiếm nhanh trên Google với 2 cụm từ khóa này, mỗi cụm chỉ cho ra chưa tới 200 kết quả chính xác về du lịch thành phố.
Từ kinh nghiệm về thương hiệu điểm đến du lịch này, TPHCM nên đầu tư chuyên nghiệp và bài bản hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Và, thương hiệu bền vững chính là thương hiệu có được nhờ sức mạnh nội tại từ các sản phẩm, dịch vụ là “đặc sản” địa phương.