Lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam chính thức đặt chân vào đất Nhật Bản ngày 20/6. Đây là thành quả sau 5 năm nỗ lực chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản, khẳng định chất lượng, thương hiệu vải thiều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo thông báo phát đi từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chiều ngày 20/6, vải thiều Việt Nam chính thức đặt chân vào đất Nhật Bản và chuẩn bị được đưa vào các hệ thống siêu thị ở nước này để tiêu thụ.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 15/12/2019 Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã đồng ý với Bộ NN-PTNT điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản hoàn tất quá trình 5 năm lỗ lực mở cửa thị trường khó tính này.
Theo đó, để chuẩn bị cho vụ xuất khẩu đầu tiên, ngay từ 12/2019 đơn vị này đã sớm làm việc với 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để hướng dẫn quy trình trồng chăm sóc quả vải và cùng đơn vị có liên quan cùng thiết kế xây dựng 03 buồng khử trùng đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản.
Ngày 20/6, quả vải thiều Việt Nam chính thức đặt chân vào đất Nhật Bản |
Qua nhiều lần trao đổi và thống nhất về quy trình và thông số kỹ thuật liên quan đến công tác xử lý quả vải tươi, đầu tháng 6 chuyên gia của Nhật Bản đã được phái đến Việt Nam để kiểm tra những khâu cuối cùng trước khi gật đầu cho quả vải thiều Việt Nam đặt chân vào đất Nhật.
Sau khi thực hiện cách ly theo đúng quy định, chuyên gia Nhật Bản đã đến kiểm tra nhà máy xử lý khử trùng tại Bắc Giang. Cục Bảo vệ thực vật đã cùng chuyên gia giám sát 02 lô vải đầu tiên của các doanh nghiệp với trọng lượng trên 2 tấn.
Theo thông tin Cục Bảo vệ thực vật nhận được, ngày 20/6, các lô hàng trên đã hoàn thành thủ tục hải quan tại sân bay Narita (Nhật Bản) với mẫu mã chất lượng như mong đợi.
Cùng ngày, 2 lô vải thiều xuất khẩu tiếp theo cũng xuống tàu khởi hành sang Nhật Bản, dự kiến sẽ cập cảng sau 7 ngày (mỗi lô khoảng 3 tấn).
Những lô vải thiều tiếp theo đang được chuẩn bị để đưa sang Nhật bằng đường biển |
Các đơn vị nhập khẩu tiên là Sunrise farm và Yufruits Co Ltd,. đang háo hức chờ đón sự xuất hiện của các lô hàng quả vải tươi của Việt Nam bày bán tại hệ thống siêu thị Nhật Bản. Theo kế hoạch xuất khẩu đã đăng ký, đây cũng là 2 nhà nhập khẩu và phân phối chính sản phẩm quả vải tươi của Việt Nam trong niên vụ 2020.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Trần Văn Lân – một hộ trồng vải thiều tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản ở thôn Lâm (Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang) khoe: “Toàn bộ vườn vải thiều rộng 3ha của tôi đều là vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng năm nay sẽ cho thu khoảng 40-45 tấn quả”.
Mấy ngày gần đây các doanh nghiệp đã đến thu mua vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 30.000 đồng/kg. Gia đình ông Lân đã xuất bán được 4 tấn và doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đặt mua vải để xuất khẩu.
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, ngày 20/6, doanh nghiệp đã đến thu mua thêm khoảng 12 tấn vải tươi để xuất sang Nhật Bản bằng đường biển. Dự kiến sẽ có khoảng 200 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường cao cấp này trong niên vụ năm nay.
Sau Mỹ, EU, Úc... quả vải thiều của nước ta nay đã chinh phục thêm thị trường khó tính Nhật Bản |
Vải thiều xuất Nhật đang được thu mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg khiến người nông dân phấn khởi |
Trước đó, trao đổi với PV.VietNamNet, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá Nhật Bản là một thị trường khó tính, đòi hỏi hàng hoá phải đạt chất cao.
Việc Nhật cho phép quả vải thiều Việt Nam được xuất vào thị trường của họ có ý nghĩa rất lớn. Bởi, ngoài việc khẳng định được chất lượng, uy tín, quả tươi Việt Nam còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời tạo tiền để thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này.
Cũng theo ông Hà, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, Singrapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan... những năm gầy đây quả vải thiều Việt Nam mở cửa được nhiều thị trường khó tính khác như: Mỹ, EU, Úc và giờ là Nhật Bản.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được khoảng hơn 100.000 tấn vải thiều tươi. Đáng chú ý, lượng vải thiều xuất khẩu sang những thị trường khó tính ngày càng tăng mạnh.
Nhờ mở rộng được thị trường, những năm gần đây, giá vải thiều luôn ổn định ở mức cao, giúp người dân trồng vải có nguồn thu nhập khủng. Tại Bắc Giang vụ vải năm 2019, mặc dù mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018, nhưng doanh thu từ vải thiều của Bắc Giang vẫn đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2018.
T.An