Nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu quá trình phục hồi kể từ tháng 10/2021 tiếp tục đến nay, nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất nghiêm trọng. Trong thời gian vừa qua, số ca lây nhiễm trung bình một ngày chưa có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là tại Hà Nội. Với tình hình đó, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động kinh tế, tuy nhiên, những biện pháp của Chính phủ đã trở nên dễ dàng hơn, việc giãn cách xã hội không còn quá nghiêm khắc và chủ trương sống chung với dịch bệnh không chỉ cho bây giờ, mà còn trong cả tương lai.
Bước sang năm Nhâm Dần, mọi người đều mong muốn dòng vốn đầu tư được đi một cách hiệu quả, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định, bù đắp cho những khó khăn trong suốt 2 năm chống chọi với dịch bệnh
Dự báo về mức độ tăng trưởng cho năm mới, tôi đánh giá rằng, với bối cảnh GDP của Việt Nam xuống rất thấp năm 2021, thì năm nay, GDP sẽ tăng cao hơn, đâu đó vào khoảng 4%. Nhưng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ không diễn ra ngay vào thời điểm này, khi vấn đề dịch bệnh vẫn còn hoành hành và tất cả các biện pháp chống dịch cũng làm hạn chế việc sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, nền kinh tế sẽ khởi sắc và phát triển một cách khả quan vào nửa cuối năm 2022.
Bước sang năm Nhâm Dần, mọi người đều mong muốn dòng vốn đầu tư được đi một cách hiệu quả, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định, bù đắp cho những khó khăn trong suốt 2 năm chống chọi với dịch bệnh. Từ thị trường tài chính truyền thống đến mới nổi, trong dòng chảy đầu tư của năm trước đến năm nay, chúng ta có thể có cái nhìn khái quát và để đưa ra những dự báo cho năm mới như sau:
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Thứ nhất, nếu nhìn lại tất cả các thị trường đầu tư của năm 2021, thì thị trường chứng khoán là nổi bật nhất. Do đó, thị trường này cũng sẽ giữ một vai trò dẫn đầu trong năm nay, nhưng kèm theo đó là độ rủi ro rất cao. Nếu các công ty gặp khó khăn trong vấn đề bán sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường, thì có nhiều công ty sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi thị trường chứng khoán không chỉ có cổ phiếu mà còn có rất nhiều trái phiếu. Vì thế, các cơ quan quản lý cần phải có những công cụ để làm minh bạch thị trường nhiều hơn trước. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, đóng vai trò giúp thị trường tài chính của Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ.
Hiện tại, ở Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm là Sài Gòn Phát Thịnh và Fiin Group, trong bối cảnh việc xếp hạng tín nhiệm vẫn còn mới mẻ và chưa được thị trường quan tâm đầy đủ. Đồng thời, lệ phí xếp hạng tín nhiệm cũng cao, chưa trở thành công cụ tài chính hữu hiệu cho thị trường. Đã đến lúc, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cũng như các cơ quan quản lý phải thúc đẩy việc chứng khoán của các công ty cần có xếp hạng tín nhiệm.
Thứ hai, trên thị trường bất động sản, năm 2022 cũng là năm mà thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, mặc dù mức độ hồi phục năm ngoái đã có nhưng vẫn còn chậm. Năm nay, cơ hội phục hồi tốt hơn, do tất cả các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao, nhất là nhu cầu có một nơi sinh sống an toàn, vệ sinh, phù hợp với môi trường mới, xanh hơn, chống dịch bệnh tốt hơn.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng với lĩnh vực bất động sản cũng sẽ có tác động nhất định; điển hình là những trái phiếu của các công ty bất động sản năm nay sẽ phơi bày ra những rủi ro và từ đó trở thành một thiệt hại cho nhà đầu tư. Xét ở góc độ tích cực, việc NHNN siết tín dụng bất động sản cũng là điều hợp lý, vì tổng số dư nợ của bất động sản trên cả nền kinh tế đã lên xấp xỉ 20%, là mức rất lớn trong bối cảnh nhiều nhà kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, khiến mức độ rủi ro càng tăng cao. Khi dòng tiền không dồi dào, vấn đề mua bán sẽ gặp trở ngại, nhưng đây là điều cần thiết để thị trường điều chỉnh ở mức hợp lý. Chính vì thế, thị trường bất động sản không quá lạc quan là sẽ đạt được một mức đột phá trong năm 2022, nhưng chắc chắn sẽ phục hồi trong sự chắc chắn hơn năm ngoái.
Thứ ba, nhìn từ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản để suy ra thị trường trái phiếu và thấy rằng, thị trường trái phiếu đã tăng trưởng rất “nóng” trong thời gian vừa qua, mà một trong những lý do đó là lãi suất cao gấp 2-3 lần lãi suất ngân hàng, khiến nhiều nhà đầu tư không hiểu biết đã có định giá sai lầm về các trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường hay dùng ngân hàng hỗ trợ trong việc xem xét các quy định lập hồ sơ, xin phát hành và ngay cả khi phân phối cũng dùng các chi nhánh phòng giao dịch của ngân hàng để triển khai. Những trái phiếu như vậy khiến nhiều người lầm tưởng là được ngân hàng hỗ trợ phát hành và bảo lãnh. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi vì trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh phải được ngân hàng nói rõ, phải có hợp đồng bảo lãnh “giấy trắng mực đen” chứ không thể truyền miệng. Vì vậy, trái phiếu đến hiện tại đang là một kênh hàm chứa nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần hết sức lưu tâm, thận trọng.
Sửa quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tìm hướng bền vững cho thị trường
Thứ tư, ở thị trường vàng trong năm 2022, có thể nói, vàng chịu ảnh hưởng từ tất cả các biến động trên thế giới, như dịch bệnh, chính sách, đến vấn đề chiến sự ở Ukraina đang “nóng bỏng”...
Thị trường vàng vốn là kênh "trú ấn" của nhà đầu tư, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2022 sẽ có nhiều biến động, rủi ro
Theo đó, Tổng thống Nga Putin đã điều động nhiều quân đội đến gần biên giới Ukraina. Liệu Nga có thật sự tấn công Ukraina không thì hiện nay chưa ai rõ. Song, dường như Nga muốn đưa ra một thông điệp rằng, Nga sẽ không để cho Ukraina gia nhập NATO. Nếu tình hình chiến sự ở Ukraina leo thang, thì tình hình kinh tế thế giới khó có thể yên ổn. Bên cạnh những biến động về chính trị và quân sự, một cuộc chiến tranh giữa Nga với NATO và Mỹ sẽ tác động mạnh đến thị trường khí đốt, cũng như thị trường dầu hỏa. Và như vậy, giá vàng sẽ tăng rất nhanh, từ đó, thị trường vàng sẽ có sự rung lắc lớn. Bên cạnh đó, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tăng lãi suất ba lần trong năm 2022, sẽ làm tăng giá trị đồng USD, đây cũng là nguyên nhân góp phần đẩy giá vàng đi lên.
Do đó, khi nhìn tổng quan về chiến sự và chính sách kinh tế của Tây phương, tôi tin rằng giá vàng trong năm nay sẽ tăng, đồng thời kéo giá vàng trong nước tăng theo, còn tăng ở mức độ nào thì ngay đầu năm cũng khó đoán định cụ thể. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng hãy cẩn thận, vì giá vàng luôn biến động khôn lường, không nên đầu tư tất cả tiền bạc vào vàng nhất là những người vay tiền để mua vàng là vô cùng nguy hiểm.
Thứ năm, về lĩnh vực tiền gửi, năm nay lãi suất có lẽ vẫn thấp, chưa có sự đột biến tăng lên vì Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn duy trì chính sách lãi suất hạ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Khi lãi suất cho vay hạ, thì lãi suất huy động cũng sẽ thấp và tôi không kỳ vọng lãi suất tăng ngoại trừ trường hợp có biến động mạnh trong đó có vấn đề lạm phát.
Rõ ràng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 rất thấp, còn năm nay, chỉ số có thể sẽ tăng, vì tất cả những khó khăn của nền kinh tế, cung cầu trên thị trường thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ tạo ra sự khan hiếm hàng hóa, từ đó giá cả leo thang. Trong trường hợp đó, nếu không kiểm soát được lạm phát thì lãi suất sẽ tăng, còn nếu vẫn kiểm soát được như năm ngoái hoặc ít nhất dưới 4%, thì lãi suất sẽ ở mức thấp như hai năm vừa qua.
Trên đây là đánh giá khái quát 5 thị trường truyền thống để nhà đầu tư có cái nhìn mở rộng về toàn thị trường cũng như cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Bên cạnh đó, còn có thị trường tài chính kỹ thuật số, với các vấn đề như Forex, tiền ảo,... đang có nhiều cơ hội bùng lên; bởi vì trong tình hình nền kinh tế đang chuyển động mạnh mẽ liên quan đến tài chính số, thì nhiều người sẽ đi vào những kênh đầu tư với công nghệ cao để tìm kiếm lợi nhuận.
Theo tôi, năm nay là năm các cơ quan chức năng cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến các sàn giao dịch ảo, sàn giao dịch điện tử cho Forex, ngay cả các sàn giao dịch chứng khoán, vàng hay giao dịch hàng hóa đang ngày càng nở rộ ở Việt Nam, đưa mọi người vào trong tình trạng thua lỗ hay các “bẫy” lừa đảo.
Đáng chú ý, một trong những thị trường mang tính tiêu cực ảnh hưởng đến cả xã hội Việt Nam nữa là thị trường “tín dụng đen”. Giống như năm ngoái, tín dụng đen sẽ tiếp tục lộng hành tại các vùng sâu, vùng xa khiến nhiều người lâm vào khó khăn, vì thế Chính phủ cần phải siết chặt lại vấn đề quản lý trong lĩnh vực này.
Năm mới, Chính phủ hay người dân đều kỳ vọng dịch bệnh sẽ qua đi, kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, môi trường đầu tư ngày càng lành mạnh, tươi sáng, trở thành kênh dẫn vốn cũng như sinh lời hiệu quả. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý, giúp thị trường trở nên minh bạch, bền vững, đặc biệt các nhà đầu tư phải luôn giữ được “cái đầu lạnh”, tỉnh táo trước dòng chảy mạnh mẽ của thị trường. Câu hỏi năm Nhâm dần đầu tư như thế nào không chỉ phụ thuộc vào tính chất của thị trường, mà còn phụ thuộc vào kiến thức, khẩu vị rủi ro của từng người và đâu đó là một chút may mắn trong năm mới...