“Công ty đang có kế hoạch ổn định lại giá trị cổ phiếu”
Trong khi VN-Index liên tục tăng và vươn lên 1.130 điểm thì trên thị trường vẫn có những cổ phiếu bỗng dưng "nằm sàn". Ngoài cổ phiếu APC của Chiếu xạ An Phú giảm sàn liên tiếp 6 phiên thì cổ phiếu SPP của Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (Mã: SPP) sàn 8 phiên.
Từ ngày 6/3 đến ngày 15/3, cổ phiếu SPP sàn liên tiếp, giảm từ mức 12.600 đồng/cp xuống còn 6.300 đồng/cp, tức giảm 50%. Gần nhất, cổ phiếu này cũng có hai phiên sàn vào ngày 27/2 và ngày 1/3.
Thống kê giao dịch cổ phiếu SPP (Nguồn: Cafef)
Điều đáng nói, cổ phiếu SPP có phiên lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/10/2017 với mức giá 26.100 đồng/cp. Như vậy tính đến nay, cổ phiếu này đã giảm tới 74%.
Lý giải cho biến động này, công ty cho rằng tình hình thị trường và quan hệ cung cầu rơi vào thời điểm cuối năm nên tính thanh khoản thấp. Để khắc phục tình trạng trên, công ty đang có kế hoạch ổn định lại giá trị cổ phiếu trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo giải trình, SPP hiện đang sản xuất, kinh doanh bình thường, không có tác động xấu ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Công ty sẽ ổn định tài chính, các khoản tín dụng ngân hàng, điều chỉnh sách lược phù hợp để kinh doanh hiệu quả.
Sau đó, công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu thuần tăng 19% và lợi nhuận sau thuế tăng 22% so với năm trước, lần lượt đạt 1.250 tỷ đồng và 26,4 tỷ đồng. Cổ tức chia tối thiểu 10%. Thông tin kinh doanh tăng trưởng vẫn không “cứu” được đà giảm của giá cổ phiếu.
SPP là công ty chuyên doanh về bao bì màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, giấy và kim loại; có thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản. Địa bàn hoạt động của công ty chủ yếu là miền Nam. SPP là bạn hàng nhiều năm, cung cấp sản phẩm bao bì nhựa cho các công ty lớn như Vincafe, Vinamilk, Nestle, Bayer, Masan, Biscafun, Ajinomoto…
Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2021, SPP đề ra doanh thu bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, tăng tổng tài sản lên 1.000 tỷ đồng. Trong tương lai, công ty sẽ khai thác một số thị trường miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và khu vực Hà Nội. HĐQT trình việc xây dựng nhà máy mới ở Khu công nghiệp Tân Đô với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng.
SPP đều có kết quả kinh doanh tăng đều đặn qua các năm, giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên tỷ lệ LNST/DT chưa thực sự được cải thiện, đều ở mức thấp khoảng 1- 2%/năm.
Đơn vị: tỷ đồng
Tính đến hết năm 2017, SPP có tổng tài sản 1.154 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Trong đó hàng tồn kho chiếm 39%, đạt 446 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tồn kho của SPP chủ yếu là hàng thành phẩm và nguyên liệu.
SPP có nợ dài hạn gần 15 tỷ đồng, còn lại là nợ ngắn hạn với 680 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ năm trước và chiếm 77% tổng nợ phải trả. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ là 21,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 175 tỷ đồng.
Lực bán gia tăng từ cổ đông nội bộ và người liên quan
Về cuối năm 2017, cổ đông nội bộ và người có liên quan liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu. Ông Dương Quốc Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bán 2,3% vốn, còn sở hữu 6,33% vốn.
Cùng với đó, ông Dương Đức Chính, Phó Chủ tịch HĐQT, em ông Dương Quốc Thái, cũng bán 2,17% vốn. Ông Dương Văn Xuyên, bố ông Chính, cũng bán 2,85% vốn.
Bà Lưu Thị Minh Hằng, vợ ông Thái và ông Hoàng Ngọc Đạt, con ông Hoàng Ngọc Tiến, thành viên HĐQT cũng bán lần lượt 2,3% vốn và 0,72% vốn trong năm 2017.
Trong khi đó bà Dương Thị Thu Hương, Chủ tịch HĐQT là chị gái ông Dương Quốc Thái. Như vậy tính đến cuối năm 2017, bà Hương và các thành viên gia đình sở hữu tổng cộng 23,05%.
Mới đây cơ cấu cổ đông SPP đánh dấu sự xuất hiện của "người lạ". Ông Nguyễn Quang Đức, một nhà đầu tư cá nhân đã mua thêm và nâng sở hữu lên 7,25%, trở thành cổ đông lớn của SPP.
Có thể việc thay đổi cổ đông nội bộ thời gian qua là lý do để HĐQT trình kế hoạch cơ cấu lại cổ đông, tìm kiếm cổ đông chiến lược thông qua phương án phát hành riêng lẻ. Phương án này hiện chưa có nội dung cụ thể, hứa hẹn sẽ được trình tại cuộc họp ĐHCĐ 2018.