Phạm Quang Hiếu (sinh năm 1999, quê ở Đồng Nai) là sinh viên năm cuối Đại học RMIT chuyên ngành Digital Marketing. Hiếu được biết đến với một mặt hàng kinh doanh "kinh dị" là tiêu bản xương động vật.
TỪ CON RẮN CƯNG BỊ CHẾT
10 năm trước, anh Quang Hiếu bắt đầu có sở thích nuôi động vật thuộc loài bò sát. Tuy nhiên, từ khi con rắn anh nuôi bị chết, Hiếu mới nghĩ rằng: Tại sao không giữ lại xương của nó để làm tiêu bản kỉ niệm?
Bắt đầu làm tiêu bản xương động vật từ tháng 7 năm 2020, anh Quang Hiếu cảm thấy thực sự khó khăn khi ngày nào cũng bị dao cứa, bị hóa chất làm bỏng bản thân. Không những thế, thời gian đầu mới tiếp cận, vì Hiếu chưa định lượng được thời gian hoàn thành tác phẩm nên nhiều lần xương bị rã ra thành từng mảnh, dẫn tới tác phẩm bị hỏng.
Bên cạnh đó, vấn đề tìm kiếm xác động vật chết cũng là một trở ngại. "Không phải lúc nào cũng có xác động vật chết nên rất khó kiếm. Tôi thường mua lại của những người nuôi, trại rắn hoặc nuôi thú cưng. Tôi hay mua trăn rắn là chủ yếu", anh Hiếu cho hay.
Bộ tiêu bản xương trăn nhỏ được anh Hiếu tâm đắc nhất bộ sưu tập. Ảnh: NVCC
NHỮNG BỘ "HÀI CỐT" RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Để có được một sản phẩm tiêu bản xương động vật hoàn chỉnh, nam sinh trường RMIT cũng đã phải tìm hiểu và học hỏi rất nhiều, đã từng trải qua nhiều thất bại khi xương động vật vứt lăn lóc trên bàn.
Xác động vật tốt nhất để làm tiêu bản là xác vừa chết, đem làm luôn sẽ dễ dàng trong công đoạn xử lý. Nếu chọn xác đang bị phân hủy giữa chừng, xương sẽ bị nát, không làm được.
Để có được một bộ tiêu bản xương hoàn chỉnh, anh Hiếu phải thực hiện quy trình 5 bước nghe qua khá "rùng rợn": Lọc da và xử lý nội tạng, xử lý phần thịt còn dính ở xương, ngâm hóa chất để rã thịt khỏi xương, ghép xương và treo khung.
Thú chơi "hài cốt" này yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo cao bởi nếu chỉ sơ suất một chút trong việc dùng dao mổ để lọc phần da, phần xương thì sẽ không cho ra được một bộ da và xương hoàn chỉnh.
Theo chia sẻ của anh Hiếu, công đoạn tốn nhiều công sức đó là khâu chọn xương. Anh thường mua lại xác các loài bò sát như: trăn, rắn, rồng Úc, kỳ đà Nam Mỹ, rùa… Những con vật này thường là thú cưng được nuôi nhưng đã chết.
"Phải đợi có động vật chết, bởi phương châm của tôi là không giết động vật để làm tiêu bản, tôi chỉ dựng lại tiêu bản từ xác động vật, mà xác không phải lúc nào cũng có", anh Hiếu nói.
Bên cạnh đó, công đoạn khiến anh Hiếu cảm thấy "khoai" nhất đó là tẩy hóa chất vì chỉ cần sai lệch 1 chút là bộ xương hỏng ngay. Về thời gian thực hiện, khoảng gần 2 tháng mới có thể hoàn thành được 1 mẫu tiêu bản xương động vật.
Ảnh: NVCC
"Công đoạn ghép xương là lâu nhất, với một mẫu rắn 50cm có khoảng 250 đốt xương sống và gấp đôi số xương sườn, mình sẽ phải ghép liên tục trong 10 tiếng đồng hồ", anh Hiếu tâm sự.
Làm tiêu bản xương động vật là một đam mê rất khó theo. Anh Hiếu cho hay: "Thứ nhất là chịu khổ, thứ hai là chịu mùi. Mùi xác động vật lúc mổ ra thực sự không hề dễ chịu. Khi tiếp xúc với hóa chất để làm những công đoạn tiếp theo cũng khá nguy hiểm nên mình nghĩ sẽ có ít người chịu theo chơi "bộ môn" này. Chưa kể đến việc mình phải ngồi chỉnh lại từng mẩu xương một sao cho thẩm mỹ và nghệ thuật nhất có thể".
Thời gian đầu, để thỏa mãn thú chơi "hài cốt", Hiếu phải nhờ đến sự trợ giúp tài chính của bố mẹ. Anh từng dùng tiền tiết kiệm từ tiền bố mẹ cho chi tiêu hàng tuần để mua hóa chất, lưỡi dao mổ, găng tay và những dụng cụ cần thiết.
Hiện tại, song song với đam mê tại ra những bộ tiêu bản xương động vật, anh Hiếu cũng rao bán những bộ xương này với giá từ 1 triệu đồng – 10 triệu đồng tuỳ loại. Bộ xương cao nhất anh đã bán cho khách có giá 6 triệu đồng.
Nói về định hướng trong tương lại, anh Hiếu cho biết đây là một ý tưởng rất độc đáo và lạ, chưa có nhiều người thực hiện nên tận dụng điều đó anh Hiếu vẫn đang cố găng làm ra thật nhiều sản phẩm để kinh doanh nhưng do đầu ra chưa được ổn định nên vẫn chưa mở rộng phát triển được rộng rãi mà chỉ ở trong phạm vi những người có cùng đam mê và mong muốn sở hữu để trang trí nhà cửa.