Dân gian Việt Nam có quan niệm, "năm tuổi" là năm sinh gắn liền với con giáp theo vòng tuần hoàn. Ông bà ta xa xưa để lại rằng: Nếu như gặp năm tuổi của mình thì nên hạn chế làm những việc không nên làm để tránh hạn năm đó cho bản thân như có ý định làm ăn hay đi đâu xa cần cân nhắc thật kỹ. Không ít người tin rằng vào năm tuổi, nhiều điều kém may mắn sẽ xảy ra đối với sự nghiệp và cuộc sống đối với con giáp đó.
Năm 2021 là năm Tân Sửu và trong hệ thống ngân hàng hiện nay có nhiều người tuổi Sửu, sinh năm 1949, 1961, 1973, 1985,…Trong đó có một vị sếp nữ tuổi "Trâu" nhận được sự chú ý của thị trường trong năm qua là bà Trần Thị Thu Hằng (1985), Chủ tịch HĐQT Kienlongbank.
Trước thềm năm mới Nhâm Dần, nhìn lại năm qua, bà Hằng đã trải qua "năm tuổi" hết sức "rực rỡ".
Hiện bà Hằng là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất tại Việt Nam. Quá trình bà trở thành Chủ tịch của Kienlongbank cũng gây bất ngờ cho nhiều người.
Tháng 1/2021, Kienlongbank bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị, trong đó có bà Hằng. Ngay sau đó, bà Hằng được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.
Chỉ sau một thời gian ngắn, đến tháng 5/2021, bà Hằng chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022.
Bà Trần Thị Thu Hằng trở thành Chủ tịch Kienlongbank tháng 5/2021.
Được biết, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trước đó, bà có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018, bà trải qua một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.
Sau đó, từ 2019-2020, bà Hằng chuyển sang gắn bó với lĩnh vực bất động sản, là Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech.
Hiện bà Hằng sở hữu hơn 17,24 triệu cổ phiếu KLB của Kienlongbank, tương đương với 4,72% vốn cổ phần ngân hàng. Trong năm qua, gía cổ phiếu KLB tăng mạnh đã giúp khối tài sản của bà Hằng lên cao, hiện đạt hơn 476 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Hằng còn sở hữu 14,58 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần KS Group, tương đương tỷ lệ sở hữu 33%.
Năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt với Kienlongbank khi không chỉ có thay đổi lớn ở ban lãnh đạo mà kết quả kinh doanh còn tăng trưởng rất ấn tượng.
Đây là năm đầu tiên nhà băng này cán mốc lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank đạt 1.010 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần năm 2020. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên mức hơn 83.822 tỷ đồng, là mức tăng trưởng cao nhất hệ thống ngân hàng trong năm qua.
Ngân hàng đã thành công đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hàng giảm xuống dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB (theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của KienlongBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt).
Năm 2021, KienlongBank cũng đã tăng vốn điều lệ thành công lên 3.653 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Hiện cổ phiếu KLB của Kienlongbank giao dịch trên UPCoM và nhà băng này có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE hoặc HNX.
Năm qua cũng là năm mà Kienlongbank bắt đầu thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong thư gửi cổ đông nhân dịp kỷ niệm 26 năm thành lập Kienlongbank, bà Hằng cho biết: "Kienlongbank đặt trọng tâm và xác định con đường “số hóa” là giải pháp sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm vị thế. Vì vậy, sứ mệnh của Kienlongbank sẽ là kiến tạo nên một ngân hàng số toàn diện, chuyên sâu, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, ....trên một lộ trình phát triển bài bản, quy mô. Đây sẽ là một cuộc cách mạng cho chính Kienlongbank, cho khách hàng, cổ đông và cả xã hội".