Ông chủ phó mặc cửa hàng kinh doanh cho nhân viên, người dân bán đi những mảnh đất vốn là sinh kế… chỉ là những lát cắt về hệ lụy của cơn sốt đất , góc nhìn trên tờ Đầu tư sáng nay (7/5).
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế quốc dân, điều nguy hại hơn là những cơn sốt đất hút lượng lớn dòng tiền đổ vào thị trường này và rời xa các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội.
Trong khi đó, dòng tiền đổ vào các cơn sốt bất động sản chỉ tạo ra lợi nhuận ăn chênh chứ không tạo ra của cải thực cho xã hội. Các cơ quan quản lý chính sách vĩ mô cần thận trọng đưa ra các chính sách mở rộng tài khóa cũng như tiền tệ "nắn" dòng tiền chảy vào khu vực sản xuất thực nhiều hơn là để nó chảy vào những khu vực đầu cơ.
Những cơn sốt đất hút lượng lớn dòng tiền đổ vào thị trường này và rời xa các hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, các cơn sốt đất không còn là hiện tượng cục bộ, mà đã lan ra 25 - 30 tỉnh, thành phố. Xu hướng này có thể chưa thành mối đe dọa đến lạm phát ngay, nhưng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đó là những rủi ro cần lưu ý, bởi thị trường xuất hiện bong bóng tài sản, gây áp lực cung tiền.
"Giật mình" nợ xấu ngân hàng
Nợ xấu của một số ngân hàng trong quý I/2021 bắt đầu tăng mạnh. Phân tích của tờ Diễn đàn doanh nghiệp tại một số ngân hàng cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ tăng vọt cao gấp nhiều lần cùng kỳ quý I/2020, hay các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ cũng tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng nợ xấu bắt đầu tăng tại một số ngân hàng, cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép ngân hàng kéo giãn lộ trình trích lập dự phòng xử lý nợ xấu 3 năm là một quyết định chính xác để các ngân hàng lẫn doanh nghiệp dễ thở hơn, nhưng với tác động của đợt COVID-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn.
(Ảnh: Báo Đầu tư)
Vì vậy, nợ xấu năm nay sẽ khó "đẹp" như 2020 và điều đó cũng sẽ khiến các nhà băng càng thận trọng hơn đối với các khoản vay. Bởi vậy, các doanh nghiệp phụ thuộc vốn tín dụng cần chuẩn bị kịch bản dự phòng cho vấn đề này.
10 năm tới, thị phần vận tải Việt Nam sẽ ra sao?
Đường thủy nội địa vốn được coi là ngành vận tải có lợi thế về tận dụng điều kiện tự nhiên, có thể vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng với giá thành vận tải rẻ chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 đường bộ, nhưng giai đoạn 2010 - 2019, vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ từ 1,5 - 2,2% toàn ngành.
Bộ GTVT cho biết, vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt gần 20%, tăng 4% so với năm 2011, nhưng đường bộ vẫn tiếp tục tăng 8%. Trong khi vận tải biển nội địa (không bao gồm vận tải ven biển) lại giảm, từ hơn 60% còn 51%. Vận tải hành khách và hàng hóa ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng phụ thuộc quá mức vào đường bộ. Việc phụ thuộc quá mức vào đường bộ đẩy chi phí vận tải và logistics ở Việt Nam tăng cao, tương đương với khoảng 20,9% GDP (theo báo cáo của World Bank).
Báo Giao thông trích dẫn chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết trong nỗ lực mạnh tay cơ cấu lại thị phần vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đạt 3 - 5% GDP.
Từng lĩnh vực như: đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa đều xác định đầu tư những công trình mang tính đột phá, lan tỏa; trong quá trình thực hiện sẽ ưu tiên để hình thành hệ thống giao thông kết nối giữa các lĩnh vực, qua đó giúp giảm chi phí logistics.