Sa thải... nhầm
Một số người cho biết công ty giải thích rằng họ bị sa thải là do nhầm lẫn. Những người khác thì cho biết ban lãnh đạo công ty giờ mới nhận ra rằng kinh nghiệm và tài năng của họ là cần thiết cho sự phát triển của Twitter trong tương lai. Tuy nhiên, tất cả những nhân viên này đều yêu cầu bảo mật danh tính khi chia sẻ với truyền thông.
Động thái này diễn ra sau khi Twitter sa thải gần 3.700 nhân viên qua email như một cách để cắt giảm chi phí sau thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD của Musk. Các nhân viên cho biết họ mất quyền truy cập vào các hệ thống của công ty. Dẫu vậy, việc Twitter ngay lập tức yêu cầu những người bị sa thải quay lại đã cho thấy quá trình này diễn ra gấp rút và hỗn loạn như thế nào.
Hiện tại, người phát ngôn của Twitter chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Hỗn loạn là từ được nói nhiều khi người ta mô tả về "cái búng tay" của Elon Musk ở Twitter, khiến một nửa nhân sự bị sa thải. Đó không chỉ là cú sốc với người lao động mà còn gây tổn hại tới cả khả năng vận hành của Twitter. Việc sa thải nhầm hoặc đánh giá chưa đúng vai trò, năng lực của nhân sự trong quá trình sa thải một lần nữa chứng minh điều đó.
Cuối tuần trước, nói về kế hoạch cắt giảm nhân viên của Twitter, Elon Musk cho biết: "Thật không may, việc cắt giảm nhân sự của Twitter là không thể đừng khi công ty đã lỗ hơn 4 triệu USD/ngày".
Twitter có gần 3.700 nhân viên còn lại. Musk đang cố gắng thúc đẩy những người ở lại hiện thực hóa các tính năng mới một cách nhanh chóng. Thậm chí, một số nhân viên đã phải ngủ lại văn phòng để có thể hoàn thành công việc theo thời hạn mà Musk đưa ra.
Trong khi đó, một bộ phận người mất việc cũng đã lên kế hoạch kiện Twitter vì màn sa thải vừa diễn ra.
Những thay đổi đáng kể dưới tay Musk
Ngoài vấn đề nhân sự, Twitter cũng đang đứng trước nhiều thay đổi to lớn. Cuối tuần qua, mạng xã hội này đã triển khai đăng ký gói Twitter Blue mới, trong đó cấp dấu tick xanh cho bất cứ người dùng nào trả 8 USD/tháng. Công ty cũng cho biết họ sẽ sớm triển khai các tính năng khác, bao gồm video dài hơn, được xếp hạng ưu tiên cao hơn trong khi tìm kiếm và nhiều tính năng khác.
Tuy nhiên, vào ngày 6/11, truyền thông Mỹ cho biết Twitter sẽ hoãn những chính sách của họ với dấu tick xanh cho tới sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới. Lý do được đưa ra là người dùng và nhân sự của Twitter lo ngại kế hoạch này có khả năng bị lạm dụng để gây bất hòa.
Ngay sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter và công bố một loạt thay đổi bước ngoặt, rất nhiều thương hiệu lớn đã đồng loạt đình chỉ các quảng cáo trên Twitter. Có nhiều lý do được đưa ra nhưng dường như chúng đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến người đàn ông giàu nhất thế giới.
General Motors, Volkswagen và Audi, đối thủ cạnh tranh của Tesla đã dừng tiêu tiền quảng cáo trên Twitter. Một số công ty lớn khác, chẳng hạn như Pfizer, cũng đã dừng chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội này. Họ lo ngại những mối đe dọa tiềm ẩn cho thương hiệu của mình khi Musk nắm quyền sở hữu Twitter.
Chính việc này đã khiến Elon Musk phải thừa nhận rằng doanh thu quảng cáo đang sụt giảm mạnh. Ông đổ lỗi cho một nhóm các nhà hoạt động đang "gây sức ép" với các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm thay đổi cách tiếp cận của Musk với Twitter.
Tham khảo: Bloomberg