Nhìn vườn hồ tiêu khô héo chết hơn một nửa, chị Hồ Thị Nhã, ở thôn 6, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar không cầm được nước mắt. Bao công sức chăm sóc vườn tiêu nay chuẩn bị vào mùa thu hoạch lại bị kẻ gian chặt phá.
Chị Nhã cho biết, với giá cả như hiện tại, gia đình ước tính năm nay thu về hơn 70 triệu đồng tiền bán hồ tiêu. Giờ vườn tiêu bị phá thế này, gia đình không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng.
“Đêm 30/10 có người báo, vườn tiêu của tôi bị héo, ra kiểm tra thì thấy vườn tiêu đã bị chặt phá. Ngay hôm sau, tôi báo công an thôn, xã ra hiện trường và mong công an tìm ra thủ phạm để mà ngăn chặn”, chị Nhã chia sẻ.
Hàng trăm trụ tiêu gia đình chị Hồ Thị Nhã đã chết.
Ông Cường cho biết, nhiều năm làm rẫy ở đây gia đình không mâu thuẫn với ai, không hiểu tại sao họ lại ra tay phá hoại vườn tiêu. Kẻ xấu đổ thuốc thế này, không biết đến khi nào rẫy tiêu mới khôi phục lại được: “Tính sơ qua, số tiền mất khoảng 80 triệu đồng, sợ rằng sau này số cây tiêu đó chết dần và ảnh hưởng qua các cây tiêu khác nữa. Tôi mong muốn cơ quan công an giúp đỡ làm sáng tỏ sự việc để cho gia đình tôi và bà con thôn 6 yên tâm sản xuất”.
Vườn hồ tiêu hơn 1.000 trụ tại thôn 6, xã Cư M’gar của gia đình ông Nguyễn Văn Cường (trú tại khối 2, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cũng bị kẻ gian đột nhập đổ thuốc lưu dẫn vào gốc tiêu khiến hàng trăm trụ tiêu khô héo, rụng lá và bắt đầu chết.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, công an xã Cư M’gar và công an huyện Cư M’gar đã đến hiện trường tìm hiểu và điều tra vụ việc. Tại vườn của gia đình bà Hồ Thị Nhã qua kiểm đếm, lực lượng công an ghi nhận có 111 trụ tiêu 6 năm tuổi bị kẻ gian chặt ngang gốc thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Còn vườn tiêu của gia đình ông Cường có 180 trụ tiêu bị kẻ gian đổ thuốc hiện tiêu đang rụng lá, quả và cây chết dần.
Các trụ tiêu nhà ông Nguyễn Văn Cường bị đổ thuốc đang rụng lá và quả. |
Ông Hồ Quang Toàn - quyền Trưởng Công an xã Cư M’gar cho biết, công an xã đang phối hợp chặt chẽ với công an huyện rà soát lại các đối tượng nghi vấn. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cho bà con nhân dân nêu cao cảnh giác, bảo vệ vườn cây. |
“Các vụ án chặt, hủy hoại tài sản là vụ án mờ, nên gây nhiều khó khăn cho việc điều tra của công an. Bởi đối tượng hoạt động vào ban đêm, không có người bảo vệ vườn”, ông Toàn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho hay, phần lớn các vụ phá hoại nông sản là do mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, nảy sinh thù hằn cá nhân. UBND huyện đã chỉ đạo cho công an huyện phối hợp với công an xã xác minh, điều tra để sớm đưa những kẻ phá hoại ra trừng trị.
“Quan điểm của huyện bây giờ là giao cho công an điều tra làm cho rõ đối tượng để xử lý. Cứ phá như vậy khiến người dân bất bình, không yên tâm sản xuất”, ông Minh nêu rõ.
Mỗi ha hồ tiêu, người dân mất khoảng thời gian 3 năm kiến thiết và hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư. Để hạn chế nạn chặt phá hồ tiêu, trước hết các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần sớm điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng. Đồng thời, tại các khu dân cư bà con thành lập thêm các tổ, đội tự quản để tuần tra bảo vệ nông sản gia đình và cộng đồng./.