Ngày 26/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam do Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nam Ninh (Trung Quốc) và doanh nghiệp.
Báo cáo tạo hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 13,81% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống Lệnh 248-249; chính sách ZeroCovid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến của Việt Nam. Những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; quy định kỹ thuật và các bước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc. Các thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sầu riêng và chanh leo; hỏi đáp và giao thương doanh nghiệp hai bên.
Xuất khẩu sầu riêng và trái cây sang thị trường Trung Quốc cần tính chuyện đường dài
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp hợp tác xã cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý –doanh nghiệp- người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao- sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Để sầu riêng và chanh leo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng cần nhận diện một số rủi ro có thể gặp phải như : Nguy cơ ùn tắt hàng hóa vào dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu; Nguy cơ lừa đảo thanh toán ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng; gây hiểu lầm cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý; ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam. Quan tâm đến xuất khẩu chính ngạch bằng hợp đồng mua bán, giao dịch rõ ràng, thực hiện qua cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính, thực hiện mô hình kinh tế tuần hòa để tận dụng các nguyên liệu tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ canh tác, sản xuất, chế biến….
Ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cũng cho biết, sầu riêng được coi là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh ước đạt 15.100 ha (chiếm 35% tổng diện tích cây ăn quả của cả tỉnh), sản lượng ước đạt trên 170.000 tấn. Bên cạnh đó, chanh leo hiện có diện tích khoảng 1.055 ha, diện tích cho sản phẩm là 884 ha, sản lượng thu hoạch trên 15.000 tấn. Từ tháng 7 này, chanh dây và sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, trở thành 2 loại trái cây thứ 10 và 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào đất nước này đã mở ra cơ hội để hai mặt hàng sầu riêng và chanh leo của tỉnh Đắk Lắk thâm nhập vào thị trường tỷ dân đầy tiềm năng.
Doanh nghiệp và chuyên gia trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên được các chuyên gia cung cấp những thông tin về tiềm năng, nhu cầu của thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến của Việt Nam; những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu; các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm... của hai loại trái cây là sầu riêng, chanh leo và các loại trái cây khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; nhằm nâng cao năng lực thâm nhập thị trường của nông sản Việt nam.
Đồng thời, được hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường, đặc biệt là thông tin về tình hình biên mậu phía Bắc, chia sẻ thông tin yêu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và các loại trái cây đồng thời chia sẽ kinh nghiệm xuất khẩu sầu riêng và chanh leo .