Tình hình thương mại điện tử năm 2024 sẽ tiếp tục có những sự thay đổi trong phương thức kinh doanh, mua bán. Trước đó, nhiều chuyên gia về bán lẻ, thương mại điện tử đưa ra cho rằng ngành này đã phát triển "nóng" trong những năm qua, tạo cơ hội cho mạng lưới giao dịch hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế sinh sôi. Do đó cần "hạ nhiệt" và đưa thương mại điện tử vào guồng hoạt động một cách ổn định.
Bởi những yêu cầu thực tiễn nêu trên, thời gian qua Tổng cục Quản lý thị trường giữ vai trò đầu tàu, triển khai không ít giải pháp như Kế hoạch 888 hay Đề án 319 trong kiểm soát hàng hóa thông qua hình thức mua bán trực tuyến .
Thông qua tổng hợp báo cáo các ngành hàng, đánh giá những tồn tại hạn chế từ công tác quản lý thị trường trong năm vừa qua, Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra đột xuất các mặt hàng mới, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng sản xuất kinh doanh phân bón, khoáng sản..
Mặt khác tăng cường giám sát và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ Kế hoạch 888 vừa khoa học và có kế hoạch cụ thể về nội dung và phương pháp triển khai; tập trung kiểm tra đối với lĩnh vực thương mại điện tử; kiểm tra định kỳ không để chồng chéo với địa phương và tập trung vào mặt hàng khí, xăng dầu, phân bón; nâng cao chuyên môn nhận định hành vi về hàng giả.
Năm 2023, một trong những cơ quan trung ương trực tiếp xử lý các vụ việc là Cục Nghiệp vụ đã kiểm tra 59 vụ, tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan khác chuyển tới 4 vụ, xử lý 33 vụ với 54 đối tượng bị xử phạt, đang xử lý 2 vụ, không xử lý 21 vụ. Tổng tiền phạt và số lợi bất hợp pháp thu ngân sách nhà nước 3,2 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỉ lệ xử lý vi phạm của riêng Cục Nghiệp vụ đã gấp 764% so với cùng kỳ năm 2022, và đạt 158,5% chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2023.
Ở toàn ngành, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng cộng gần 72.000 vụ. Phát hiện xử lý lý trên 52.000 vụ vi phạm, tăng 19%. Chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm, tăng 37%. Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng.
Điều này cho thấy song song với nỗ lực của cơ quan chức năng, thì các hình thức vi phạm cũng có nhiều diễn tiến khó lường nhằm tránh khỏi sự truy soát của lực lượng chức năng.
Các hành vi vi phạm nổi cộm trong năm 2023 chủ yếu hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng đường cát, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị điện... tập trung lĩnh vực thương mại điện tử, chất lượng xăng dầu, phân bón, điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa có điều kiện.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ đạo Cục Nghiệp vụ trong thời gian tới cần tập trung trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, đẩy mạnh mối quan hệ đối nội, đối ngoại; phân công cụ thể cho từng cá nhân, tập thể phòng, giao chỉ tiêu cụ thể, tuyến nào, mặt hàng nào, không vi phạm đạo đức công việc; tiếp tục triển khai Kế hoạch 888 hiệu quả, chú trọng kiểm tra lĩnh vực thương mại điện tử, cần thiết thành lập phòng thương mại điện tử.
Cũng theo các chuyên gia về thương mại điện tử, hiện nay hình thức mua bán trực tuyến đang dần rút gọn các khâu trung gian. Thay vì thông qua các sàn, kênh đăng bán thì việc mua bán trực tuyến đã thu gọn thành từ người bán đến thẳng người mua, và chỉ qua khâu trung gian là vận chuyển. Đồng nghĩa là công tác quản lý bị xé lẻ, lực lượng chức năng phải nắm bắt ở cả các khu vực tiêu dùng trực tuyến quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Sẽ là bất khả thi nếu không đủ nhân lực, công cụ tác nghiệp.
Cần nhấn mạnh, từ năm 2024, Tổng Quản lý thị trường đặt mục tiêu rất cao trong từng công đoạn kiểm tra, xử lý với chỉ tiêu cao gấp nhiều lần các năm trước. Riêng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh yêu cầu Cục cần chú trọng kiểm tra đột xuất đối với vụ việc từ 200 triệu đồng trở lên và dưới 200 triệu đồng đối với mặt hàng mới. Và đặc biệt là nâng chỉ tiêu năm nay cao gấp 5 lần năm trước. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng cũng để cập đến việc cần thiết thành lập Phòng Thương mại điện tử để quản lý hiệu quả hơn.
Nêu kiến nghị nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê đề xuất những thay đổi trong cơ cấu bộ máy tổ chức. Trong đó cần thiết thành lập phòng chuyên trách tổng hợp báo cáo. Qua đó để phòng Nghiệp vụ chỉ chuyên thực hiện kiểm tra xử lý vi phạm vi hành chính, thay vì trước đây công chức vừa tổng hợp báo cáo, báo cáo từng lĩnh vực ngành hàng (17 ngành hàng), vừa công tác tham mưu văn bản, vừa tham mưu xử lý truyền thông vừa thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, truy cập dữ liệu INS sâu hơn.