Sức sản xuất vô cùng lớn
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 12/3, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, trong điều kiện vô cùng gian khó cả về thị trường và điều kiện thời tiết, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ cao, năng lực sản xuất lớn chưa từng có.
Theo đó, 2 tháng đầu năm 2020, cả nước gieo cấy khoảng 3,01 triệu ha lúa đông xuân, sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương đã tiến hành gieo sạ sớm hơn trung bình hàng năm từ 10 - 30 ngày để tránh ảnh hưởng của hạn mặn; diện tích gieo sạ khoảng 1,54 triệu ha, cơ bản tránh được hạn mặn, năng suất trung bình ước 70 tạ/ha cao hơn năm 2019 từ 2-4 tạ/ha.
Cả nước đã gieo trồng được 185.300ha ngô, tăng nhẹ so cùng kỳ. Diện tích rau đậu các loại cũng đạt 428.900 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỉnh Bình Định còn tồn khoảng 15.000 tấn dưa hấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh Dũ Tuấn)
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, trên 97% số xã đã không còn dịch sau 30 ngày đã thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất. Ước tính, đàn bò tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 13,8%...
Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm 2020, sản xuất thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản lượng ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn đạt 5,34 tỷ USD. Sức sản xuất đang ở tốc độ cao, không lo thiếu lương thực thực phẩm trong bất kỳ hoàn cảnh nào” - ông Việt nhấn mạnh.
Đi tìm thị trường mới
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống của nông sản Việt như Trung Quốc, EU đang vô cùng căng thẳng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc đi tìm thị trường mới, phát triển chuỗi cung ứng ở ngay thị trường nội địa là một hướng đi cần thiết.
Sau dịch bệnh bao giờ cũng có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, có thể nói là nhu cầu “bùng nổ” cần chuẩn bị để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường”. Ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NNPTNT |
Theo ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, nếu dịch Covid-19 không lắng xuống chắc chắn việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
“Trước tình hình này, chúng tôi quan tâm đến công tác rải vụ để vải Bắc Giang được tiêu thụ trong khoảng 2 tháng. Theo đó, trà chín sớm đạt 6.000ha, chiếm 21% diện tích, tỷ lệ ra hoa đạt 90 - 95%, sản lượng khoảng 40.000 tấn, dự kiến cho thu hoạch từ 20/5 -15/6; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa thấp hơn nhưng sản lượng vẫn đạt khoảng 120.000 tấn, thu hoạch từ 15/6-20/7” – ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, để việc tiêu thụ vải thiều hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình an toàn; chỉ đạo ngành công thương xúc tiến tiêu thụ trong nước, mở rộng kênh phân phối ở thị trường miền Trung, miền Nam để đề phòng trường hợp dịch Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.
“Năm nay, vải thiều Bắc Giang sẽ chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện, tỉnh đã và đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng mã số vùng trồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc theo quy trình đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản; mời gọi các doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Tùng cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận một thực tế, việc xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 15.000 tấn dưa hấu gặp khó khăn trong tiêu thụ; cuối tháng 3, chúng tôi thu hoạch khoảng 48.000 tấn ớt, mặt hàng này trước chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay chắc chắn việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn” - ông Châu nói.
Ngoài ra, theo ông Châu, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước EU cũng khiến xuất khẩu cá ngừ đại dương, tôm, đồ gỗ của tỉnh gặp khó khăn.
“Sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh khoảng 2.600 tấn, khi dịch chưa bùng phát mạnh, việc xuất khẩu sang châu Âu chưa gặp vấn đề gì lớn nhưng hiện còn tồn 600 tấn; tôm đã sơ chế 150 tấn nhưng chưa xuất khẩu được, sắp tới lại thu hoạch thêm 10.000 tấn vào cuối tháng 3, dự báo sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Gỗ, thủy sản là hai mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh với 500 triệu USD và 300 triệu USD nhưng rõ ràng dịch Covid -19 đã có những tác động không nhỏ” – ông Châu cho biết thêm.
Từ thực tế đó, ông Châu kiến nghị, Bộ NNPTNT đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được chậm trả lãi ngân hàng.
Khẳng định không nên trông chờ mãi vào “giải cứu” của các giai tầng xã hội với mặt hàng dưa hấu vì “năm nào cũng xảy ra”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Bình Định nên nghiên cứu chuyển một phần diện tích trồng dưa hấu sang trồng cỏ nuôi bò.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, dịch Covid-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra 2 vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nên kinh tế thế giới. Hiện nay, ngoài đối mặt với dịch Covid-19, ngành nông nghiệp còn hứng chịu cả tính cực đoan của thời tiết như mưa đá trên diện rộng, hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm A/H5N1...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành nông nghiệp xác định rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi; chú trọng yếu tố thị trường, để làm sao người dân bị cách ly cũng vẫn phải có đủ lương thực thực phẩm.