Doanh nghiệp của bà Nguyễn Như Loan, mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) tiếp tục tìm cách thoát ra khỏi những dự án bất động sản đất vàng nhưng rủi ro về nợ nần, pháp lý, vốn nhấn chìm doanh nghiệp này trong cả thập kỷ qua.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố thông tin về việc giải thể công ty con Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển. Theo báo cáo, tới cuối quý I/2021, QCG của bà Nguyễn Như Loan, mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) sở hữu 80% vốn của Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển.
Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển được thành lập từ năm 2015 nhưng cho đến 2020 vẫn chưa có doanh thu. Đây là doanh nghiệp quản lý một dự án lớn và từng mang đến kỳ vọng rất lớn cho các cổ đông của QCG.
Dự án Phước Kiển có diện tích 991ha, dự kiến mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ USD cho Quốc Cường Gia Lai. Mặc dù được chấp thuận đầu tư từ 2017 nhưng đến nay QCG vẫn chưa thực hiện được dự án do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Dự án này cũng từng giúp cổ phiếu QCG tăng vọt 7 lần trong khoảng 1 tháng hồi đầu 2017 sau khi cuối 2016, CTCP Đầu tư Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai đã ký biên bản ghi nhớ về việc QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của QCG trong một công ty sẽ được thành lập từ việc gốp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny.
Thông tin QCG nhận tiền tạm ứng 50 triệu USD từ Sunny hồi cuối 2016 và dự định bán dự án cho đối tác này đã giúp cổ phiếu QCG tăng vọt từ khoảng 7 lần từ dưới 5.000 đồng/cp hồi cuối 2016 lên gần 30.000 đồng/cp giữa năm 2017.
Nhưng trong nửa cuối năm 2017, cổ phiếu QCG chứng kiến chuỗi ngày dài giảm giá, giảm 5-7 lần. Doanh nghiệp bốc hơi 4.000 tỷ đồng.
Quan hệ giữa QCG và Sunny căng thẳng trong thời gian gần đây.
Sang đầu năm 2021, Quốc Cường Gia Lai (QCG) khởi kiện CTCP Đầu tư Sunny Island liên quan đến tranh chấp liên quan đến hợp đồng với đối tác là tại dự án Phước Kiển (Nhà Bè) ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và đã được thụ lý.
Khoản tiền nợ Sunny là lớn nếu so với hoạt động kinh doanh của QCG. Trong năm 2020, doanh thu của QCG tăng mạnh nhưng đạt chưa tới 1,9 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất cũng chỉ hơn 80 tỷ. QCG hiện phải vay hàng trăm tỷ đồng tiền của nhiều thành viên ban lãnh đạo của doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhà ông Cường Đôla gặp khó với 2 dự án Phước Kiển. |
Nhiều nhà đầu tư lo ngại, QCG sẽ phải hoàn trả một khoản tiền lớn cho Sunny Island (bao gồm cả tiền đền bù) nếu dự án Phước Kiển không thể hoàn tất giải phóng mặt bằng, pháp lý dự án không đầy đủ rõ ràng, không thể chuyển nhượng dự án Phước Kiển/chuyển nhượng vốn trong công ty sở hữu toàn bộ dự án Phước Kiển.
Trước đó, doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi một dự án đất vàng Phước Kiển khác và ông Nguyễn Quốc Cường thậm chí còn rút khỏi chính công ty của gia đình sau những vướng mắc pháp lý của dự án.
Thương vụ mua theo chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá bèo 1,29 triệu đồng/m2 đã không trôi.
Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) – đơn vị quản lý lô đất - đã bị kỷ luật sau vụ bán đất rẻ cho QCG. Hôm 21/6 vừa qua, ông Tất Thành Cang (nguyên phó Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) bị khởi tố liên quan tới vụ việc.
Quốc Cường Gia Lai của mẹ Cường Đôla còn dính nhiều tai tiếng liên quan tới việc công bố thông tin sai lệch và những vụ kiện tụng của khách hàng mua căn hộ trong các dự án của doanh nghiệp này.
QCG được xem là làm ăn không ra, không ghi nhận nhiều lãi, 10 năm chia cổ tức 2.000 đồng, chưa bằng cốc trà đá nhưng liên tục lùm xùm kiện cáo, làm ăn nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm…
Gần đây cổ phiếu QCG đang hướng về ngưỡng 7.000 đồng/cp – vùng thấp nhất trong 6 tháng qua cho dù TTCK Việt Nam tăng mạnh, chỉ số VN-Index bứt phá gần 28% kể từ đầu năm, tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm hơn 5 điểm về ngưỡng 1.400 điểm.
Theo MBS, thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của đường cản trên kéo dài từ năm 2020, do vậy áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp. Điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm trong khi đó khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Với phiên giảm nhẹ hôm nay không làm xu hướng tăng của thị trường thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa nhằm tránh áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu bluechip cũng như cổ phiếu trong nhóm VN30.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 30/6, chỉ số VN-Index giảm 1,4 điểm xuống 1.408,55 điểm; HNX-Index giảm 0,47 điểm xuống 323,32 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 90,25 điểm. Thanh khoản đạt 24,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà