Nhật Bản đang yêu cầu người dân thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong bối cảnh nắng nóng bất thường đẩy hệ thống lưới điện của thành phố tới giới hạn của nó. Chưa có dấu hiệu cho thấy đợt nắng nóng này sắp kết thúc.
Từ ngày 28/6, Tokyo sẽ thắt chặt nguồn cung điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp... trong bối cảnh lo sợ lưới điện quá tải sẽ gây ra sự cố mất điện. Nhà chức trách cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết, trong đó kêu gọi người dân giảm lượng điện tiêu thụ.
Tập đoàn Sony đã tắt đèn chiếu sáng logo của mình ở một số nhà máy và trụ sở. Seven & i Holdings Co. thì thay đổi giờ chuẩn bị bữa trưa cho nhân viên, tránh dùng điện vào giờ cao điểm. Các cửa hàng của Yamada Holdings Co. cũng đã tắt các màn hình TV, đèn và một phần của hệ thống điều hòa.
Trong khi đó, cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu các công ty điện lực trong khu vực chia sẻ với Tokyo Electric Power Co. để làm giảm áp lực lên lưới điện phục vụ khu vực này. Ngay cả khi nắng nóng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hoạt động cung cấp điện cho thành phố 14 triệu dân vẫn sẽ bị siết chặt trong những ngày còn lại của tuần.
Ở thời điểm hiện tại, những biện pháp này giúp Tokyo tránh nguy cơ đối mặt với tình trạng mất điện khi các khu vực khác, hệ thống lưới điện vẫn còn tải để chia sẻ với thủ đô.
Lúc này, nhiệt độ trung bình ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản là 35 độ C, cao gấp rưỡi so với mức nhiệt trung bình 30 năm là 22,5 độ C. Đây cũng là năm mà mùa mưa ở khu vực Tokyo kết thúc sớm nhất kể từ năm 1951 tới nay, dẫn tới việc mùa hè sẽ dài hơn.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo thời tiết ở Tokyo sẽ nóng hơn bình thường trong suốt mùa hè này và dự báo nhiệt độ sẽ tăng trong tháng tới. Hóa đơn tiền điện cũng đang duy trì ở mức cao kỷ lục, báo hiệu các gia đình phải sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát thường xuyên hơn.
Hiện tại, người dân Tokyo được yêu cầu tắt đèn trong các phòng không sử dụng đồng thời bật điều hòa theo cách phù hợp. Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện và chia sẻ điện năng giữa các khu vực nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng ở thủ đô.
Cuộc khủng hoảng điện ở Nhật Bản xảy ra trong bối cảnh châu Á đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một mùa hè dài, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến và dẫn tới nguy cơ thiếu hụt. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do nguồn cung bị hạn chế khiến áp lực với hệ thống lưới điện ngày càng gia tăng.
Trời nóng lực cùng với sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp đã làm gia tăng điện năng tiêu thụ tại nhiều khu vực, bao gồm Trung Quốc. Trong khi đó, các nền kinh tế cũng phải đối mặt với tác động của hóa đơn tiền điện tăng cao, ảnh hưởng tới cả các hộ gia đình lẫn các ngành công nghiệp.
Tham khảo: Bloomberg