Để giảm áp lực lên hệ thống điện, người dân nơi đây phải chịu cắt điện luân phiên tới 9 giờ/ngày. "Chúng tôi đang sống trong địa ngục" - ông Nazeer Ahmed, cư dân Turbat, nói với tờ The Guardian. Trong khi đó, nông dân ở tỉnh Balochistan gần như mất trắng các vườn táo, có ngày bị cắt điện tới 18 giờ.
Khu vực Tây Bắc và miền Trung Ấn Độ cũng trải qua tháng 4 nóng nhất trong suốt 122 năm qua, theo thống kê của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), trong khi một thành phố ở tỉnh Sindh của Pakistan đã ghi nhận mức nhiệt 49 độ C vào ngày 30-4, một trong những "kỷ lục thế giới" đáng sợ nhất.
Nhiều vùng của Ấn Độ cũng bị cắt điện 9 giờ/ngày. Tính đến cuối tháng 5 này, 650 chuyến tàu chở khách sẽ bị hủy để dọn đường cho các chuyến tàu chở hàng, nhằm bổ sung than cho các nhà máy điện.
Một số bang như Tây Bengal và Odisha đã đóng cửa trường học. "Nhiều em bị chảy máu cam, chúng không thể chịu đựng đợt nắng nóng này" - Thống đốc bang Tây Bengal Mamata Banerjee nói với CNN.
Người dân New Delhi - Ấn Độ ngủ trưa dưới một cây cầu ngay giữa lòng sông Yamuna với nhiều khu vực đã trơ đáy Ảnh: REUTERS
Ước tính có tới hơn 1,5 tỉ người trên khắp thế giới đang phải hứng chịu tình cảnh tương tự, khi nhiệt độ mùa hè thiêu đốt đến sớm tận 2 tháng. Đợt nắng nóng còn tàn phá cây trồng, bao gồm lúa mì, nhiều loại trái cây và rau khác nhau. Tại Ấn Độ, sản lượng lúa mì giảm tới 50% ở một số khu vực có nhiệt độ khắc nghiệt nhất, bồi thêm gánh nặng lên tình hình lương thực toàn cầu.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Ấn Độ được dự báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu nặng nề nhất. Nhà nghiên cứu Chandini Singh từ IPCC mô tả đợt nắng nóng hiện nay đang "thử thách giới hạn và khả năng sinh tồn của con người".
Bộ trưởng phụ trách về khí hậu của Pakistan Sherry Rehman cho biết trong khi một số nơi khô hạn cùng cực, đợt nắng nóng lại khiến các sông băng ở phía Bắc đất nước tan chảy với tốc độ chưa từng có, dẫn đến nguy cơ lũ lụt ở nhiều vùng khác. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua điều mà nhiều người gọi là "năm không có mùa xuân".
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ "địa ngục" ở Ấn Độ và Pakistan là điều họ đã dự đoán trước, đồng thời cảnh báo các đợt nắng nóng sẽ còn thường xuyên hơn, gay gắt hơn và bắt đầu sớm hơn mỗi năm.