TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khẳng định, có làm được điều này, Việt Nam mới tăng năng suất thành công và thu hẹp khoảng cách so với các nước khác.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Mặc dù cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
"Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng", đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Nhìn nhận thực tế trên, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp thì mình phải có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn người ta. Ví dụ, người ta tăng 4-5%, mình phải tăng 6-8%.
Theo Viện trưởng CIEM, trong tương lai, tốc độ gia tăng số lượng lao động trong nền kinh tế giảm xuống do dân số già đòi hỏi Việt Nam càng phải đẩy mạnh tăng năng suất lao động ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên, làm thế nào để năng suất lao động của Việt Nam tăng lên? Khi mà chúng ta cũng đã học kinh nghiệm quốc tế rất nhiều nhưng đến nay kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Để cải thiện năng suất lao động, ông Cung cho rằng, điều quan trọng của Việt Nam là phải cải cách, phát triển thị trường trên nền tảng kinh tế thị trường cạnh tranh.
Ông Cung phân tích: Có cạnh tranh người ta buộc phải nghĩ tới áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới để nâng cao năng suất lao động. Nếu không cải cách, người ta chỉ nghĩ tìm mối "quen ông nào" đó để có nhiều cơ hội kinh doanh hơn là nghiên cứu khoa học công nghệ. Như vậy, động lực tăng trưởng bị sai lệch.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng CIEM, thị trường cạnh tranh phải thực sự chứ không kiểu cạnh tranh "chạy". Khi có nền tảng này, lúc đó những kiến nghị của quốc tế, chúng ta mới có thể học. Còn khi chưa có nền tảng về kinh tế thị trường đúng nghĩa thì bài học đó cũng chỉ là bài học.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp vì chi phí kinh doanh đầu vào của Việt Nam đang khá cao so với các nước trong khu vực.
Trong đó, có nhiều loại chi phí phải kể tới như chi phí nằm ngoài hoạt động kinh doanh như tuân thủ luật pháp, bôi trơn, mãi lộ; đồng thời về chi phí trong hoạt động kinh doanh như đầu tư tài sản, chi phí cố định, vận hành...
Ví dụ như chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao từ 21-25% GDP, trong khi các nước khác chỉ khoảng 7-15% GDP.
Nói về động lực giảm chi phí, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm, một số doanh nghiệp họ có động lực tìm cách cắt giảm các khoản chi phí vì họ muốn đi tìm kiếm lợi nhuận nhưng vẫn có những doanh nghiệp đi tìm kiếm mối quan hệ, người ta không có động lực này.
Do vậy, ông Cung đánh giá, ở Việt Nam để doanh nghiệp cắt giảm chi phí không hề đơn giản, thậm chí rất phức tạp, nhiều khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí chưa chắc đã thành công. Điều này thể hiện sự méo mó về động lực.
"Cái này mới là cái cần cải cách. Làm sao để môi trường kinh doanh bình đẳng, ai làm tốt thì hưởng lợi, còn làm chưa tốt sẽ thất bại", ông Cung nhấn mạnh.