Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa hoàn thiện Đề án tái cơ cấu toàn diện tập đoàn giai đoạn 2017 - 2025 gửi Bộ Công Thương. Theo đó, Tập đoàn xác định tập trung phát triển mạnh thăm dò khai thác dầu khí nhằm phát huy thế mạnh và gia tăng sự cạnh tranh ở trong nước để tham gia đầu tư ở nước ngoài.
Petro Vietnam muốn cải tổ toàn diện
Petro Vietnam xác định thoái vốn khỏi lĩnh vực dịch vụ (trước năm 2020) và điện (trước năm 2025). Mục tiêu đến năm 2020, tiếp tục duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính gồm tìm kiếm - thăm dò - khai thác, Khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí.
Đến năm 2025, Petro Vietnam sẽ rút xuống chỉ còn tập trung vào 4 lĩnh vực gồm thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí và điện.
Sau năm 2025, tập đoàn chỉ kinh doanh 3 lĩnh vực gồm thăm dò khai thác, khí và chế biến dầu khí.
Cụ thể, Petro Vietnam sẽ hoàn thành cổ phần hoá 3 đơn vị Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Cổ phần hoá Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) sớm nhất có thể sau năm 2020.
Còn lĩnh vực điện thực hiện theo lộ trình sẽ thoái vốn sớm nhất có thể (đến hết năm 2025). Đồng thời cổ phần hoá triệt để các đơn vị dịch vụ dầu khí, ngoại trừ một số dịch vụ kỹ thuật dầu khí cao liên quan trực tiếp đến khâu thượng nguồn và an ninh quốc phòng.
Sau năm 2025, về cơ bản hoàn thành tái cơ cấu toàn diện PVN, chỉ còn 3 lĩnh vực: thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí.
Với các đơn vị Petro Vietnam nắm 100% vốn điều lệ sẽ giảm từ 5 xuống còn 2 đơn vị chỉ còn PVEP và Công ty TNHH một TV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Cũng theo tập đoàn, tại thời điểm 31/12/2016, số lượng lao động toàn tập đoàn là hơn 53.000 người.
Trong đó, nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên là 28.700 người, chiếm 54%; nhóm lao động trẻ dưới 40 tuổi chiếm 72%, đủ khả năng hoàn thành mục tiêu chiến lược của tập đoàn nhưng so với quốc tế và khu vực còn khoảng cách tương đối.
Cụ thể, năng suất lao động chưa cao, bình quân theo doanh thu là 500.000 - 600.000 USD/người/năm, bằng 50% so với tập đoàn Petronas (Malaysia), 10-20% PTT (Thái Lan).
Thêm vào đó, thời gian làm việc, tích luỹ kinh nghiệm để có thể làm việc độc lập mất nhiều thời gian hơn (11 - 15 năm) so với các nhân sự của các công ty dầu khí quốc gia trong khu vực (8-10 năm).
Thời gian tới tại công ty mẹ, Petro Vietnam định hướng sẽ tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối quản lý từ 23 ban xuống còn 13 ban, từ 3 văn phòng đại diện xuống còn 2 văn phòng đại diện.
Hàng loạt ban được sáp nhập như: Ban kế toán và kiểm toán sáp nhập với Ban tài chính; Ban Quản lý đấu thầu sáp nhập với ban thương mại thị trường, Ban hợp tác quốc tế sáp nhập với văn phòng; Ban An toàn sức khoẻ môi trường sáp nhập với Khoa học và công nghệ, Ban thanh tra sáp nhập với Ban pháp chế; Ban xây dựng sáp nhập với Ban đầu tư phát triển…
Lại xin cơ chế đặc thù
Để thực hiện quá trình tái cơ cấu, Petro Vietnam đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét và trình cấp thẩm quyền một loạt cơ chế đặc thù như thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí trong nước, có tính đến ưu tiên các vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, các mỏ nhỏ, mỏ có điều kiện kinh tế cận biên.
Tập đoàn kiến nghị Chính phủ cho hưởng một số quy định như được giữ lại 32% lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí và xem xét bổ sung quy định tiền lãi dầu khí để lại cho Petro Vietnam hàng năm không bao gồm nguồn kinh phí mà tập đoàn chi các nhiệm vụ đặc biệt; 100% lợi nhuận từ hoạt động hàng năm của liên danh Việt - Nga Vietsovpetro.
Đồng thời, Petro Vietnam cũng xin trích 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước để lập quỹ tìm kiếm thăm dò và cơ chế trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế...
Đối với lĩnh vực nhiên liệu sinh học, Petro Vietnam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp nghiên cứu quy hoạch phát triển và nâng cao chất lượng đầu vào để ổn định nguồn nguyên liệu nhà máy, giảm bơt gành nặng thu xếp, lãi vay ốn, chi phí lưu kho…