Giấc mơ của dân nghèo
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải nguyên nhân khiến giá ô tô Việt Nam cao là do chi phí sản xuất và thuế, phí cao. Đây là 2 yếu tố rất quan trọng cấu thành nên giá thành xe, trong đó thuế, phí chiếm tỷ lệ lớn.
Như vậy, có thể khẳng định, giá ô tô tại Việt Nam cao là do thuế phí quá cao . Hiện tại, chỉ 3 khoản thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40-55% giá bán các mẫu xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống. Chưa kể, để được lưu thông, người mua xe còn phải chi thêm 10-12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác.
Một quốc gia với 100 triệu dân, kinh tế đang phát triển mà số lượng ô tô chỉ có 3 triệu chiếc là nhiều hay ít? |
Thuế, phí cao trong khi thu nhập của phần lớn người dân còn thấp khiến nhiều người không thể sở hữu ô tô. Vì vậy, quy mô thị trường ô tô Việt Nam rất nhỏ bé. Sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của các DN rất thấp. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện chỉ có 11 mẫu xe đạt doanh số bán từ 6.000 chiếc/năm trở lên, mẫu cao nhất đạt 27.000 chiếc/năm. Sản lượng thấp làm chi phí sản xuất tăng, càng đẩy giá xe tăng cao hơn.
Tính đến nay, cả nước mới có hơn 3 triệu ô tô các loại. Con số này chỉ bằng một nửa so với ô tô tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo tính toán, với thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện nay là 2.500 USD/năm thì phải sau 7 năm đi làm, không chi tiêu gì mới tích cóp đủ tiền mua một chiếc xe có giá tầm 400 triệu đồng. Mơ ước của đa số người dân, được đi ô tô giống như các nước khác, đến bao giờ mới thành hiện thực?
Giấc mơ của quốc gia
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công nghiệp ô tô hết sức quan trọng đối với đất nước đông dân như Việt Nam. Vấn đề phát triển lĩnh vực này đã được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần tại các phiên họp của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng không phải đến bây giờ Việt Nam mới khao khát phát triển công nghiệp ô tô. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh đã được đặt ra. Quyết định 177/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020 đã nêu rõ: “Công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp rất quan trọng, cần được ưu tiên phát triển, để góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng của đất nước”. Mục tiêu đặt ra là: “Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất, nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới”.
Do thuế phí cao nên sản lượng ô tô thấp, doanh số bán phân khúc xe cá nhân, bình quân chỉ đạt 150.000 chiếc/năm. |
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng khao khát có ngành công nghiệp ô tô phát triển, bởi đây là ngành sản xuất có khả năng lan tỏa lớn. Không những thế, đóng góp của ngành này vào kinh tế rất lớn khi tạo ra 10% GDP hàng năm và 10% tổng số việc làm của một quốc gia.
Trong khi tầm nhìn và mục tiêu rất rõ ràng thì chính sách về ô tô lại theo hướng ngược lại khi hạn chế người dân tiếp cận với ô tô. Việc áp các mức thuế, phí cao và chồng lên nhau khiến giá ô tô đắt đỏ hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển được phải dựa trên quy mô lớn và có sự liên kết chặt chẽ với các gia đình. Tức là các gia đình mua nhiều xe, sẽ tạo ra sản lượng lớn, từ đó giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng nội địa hóa.
Trong suốt giai đoạn 2005-2015, do thuế phí cao nên sản lượng ô tô thấp, doanh số bán phân khúc xe cá nhân, bình quân chỉ đạt 150.000 chiếc/năm. Từ 2016 đến nay đã có tăng trưởng nhanh hơn, nhưng cũng chỉ khoảng 300.000 chiếc/năm.
Theo các DN, để phát triển, mỗi mẫu xe cần đạt sản lượng từ 50.000 chiếc/năm trở lên. Nhưng đến nay vẫn không có mẫu xe nào đạt tới con số này. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ nên ngành công nghiệp ô tô chưa đủ các điều kiện để phát triển. Chúng ta chưa có các DN chế tạo ô tô tầm cỡ khu vực và thế giới. Không có “đầu tàu”, cho nên rất khó để kéo các “toa tàu” hướng về phía trước. Công nghiệp ô tô đến nay vẫn chỉ là lắp ráp giản đơn. Các vật liệu cơ bản để phục vụ cho sản xuất như thép chế tạo, nhựa, cao su, chất dẻo,... không có, chủ yếu phải nhập khẩu.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki cho rằng, thuế, phí cao đã bót nghẹt ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hàng chục năm qua, khiến nó không thể lớn lên được.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện tại Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô và tìm kiếm các giải pháp để giải quyết hiệu quả. Theo đó, có nhóm 4 giải pháp gồm: Bảo vệ, tạo dựng và phát triển thị trường ô tô trong nước, thông qua các hàng rào kĩ thuật, phù hợp với cam kết quốc tế; Có chính sách kích cầu tiêu dùng, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô; Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô xuất khẩu ở khu vực; Khuyến khích các DN lớn đầu tư, phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Trong đó, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào giá trị toàn cầu. Có chính sách thu hút đầu tư từ tập đoàn đa quốc gia, đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Hiện nhiều DN ô tô đang đầu tư nâng công suất, mở nhà máy mới. Các DN đẩy mạnh đầu tư bởi thị trường rất tiềm năng và tin tưởng vào sự cam kết hỗ trợ từ Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Hy vọng, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp ô tô phát triển hùng mạnh trong tương lai.