Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nghi ngờ mục đích và tương lai của NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phá vỡ các nguyên tắc cơ bản nhất của khối này.
Suốt 7 thập kỷ qua, NATO hoạt động gắn kết dựa trên một trong những nguyên tắc thiết yếu: tin tưởng lẫn nhau. Điều 5 của NATO nêu rõ bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên đều bị xem là cuộc tấn công nhằm vào toàn khối.
Tuy nhiên, tinh thần trên đã phai mờ sau khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, khởi đầu cho một số mâu thuẫn hiện tại giữa Mỹ và đồng minh, cũng như giữa các quốc gia châu Âu.
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thủ đô London hôm 3-12 Ảnh: REUTERS
Nhiều thành viên NATO hiện không biết phải phản ứng như thế nào trước những hành động gây chia rẽ của Tổng thống Donald Trump và họ cũng không thể ước đoán được người kế nhiệm của ông sẽ là người như thế nào.
Theo chuyên gia nghiên cứu NATO Jonathan Eyal, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Hoàng gia Anh, London tin rằng Tổng thống Donald Trump chỉ là trường hợp "cá biệt" và người kế nhiệm ông sẽ ủng hộ NATO. Trong khi đó, Paris xem Tổng thống Donald Trump là "điềm báo" cho các chính sách Mỹ sắp tới, vì thế châu Âu phải thành lập lực lượng phòng thủ riêng.
Nói theo cách của nhà phân tích Nic Robertson từ đài CNN, quốc gia đóng góp nhiều nhất lại là nhà đầu tư khó đoán nhất và điều này khiến tương lai của toàn khối bất ổn.
Bên cạnh niềm tin, NATO còn hoạt động dựa trên một nguyên tắc cơ bản khác: Không mua vũ khí từ quốc gia ngoài khối. Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã quên nguyên tắc này và nghiêm trọng hơn, ông quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp bị Mỹ và các thành viên còn lại phản đối quyết liệt.
Tổng thống Erdogan hôm 3-12 tiếp tục khiến căng thẳng gia tăng khi tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch quân sự của NATO tại các nước Baltic và Ba Lan nếu khối này không công nhận Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là một nhóm khủng bố.