Theo đó, báo cáo nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đang có những điều kiện rất tốt trong công cuộc phục hồi kinh tế, tuy nhiên vẫn tồn tại những khó khăn từ phía cầu khi các biện pháp đóng cửa biên giới vẫn được áp dụng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các quốc gia xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU.
Cụ thể, báo cáo đã đưa ra 5 quan điểm, định hướng trong việc phục hồi kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn:
Thứ nhất, tập trung chống dịch để sớm ổn định tình hình, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra thuận lợi.
Thứ hai, tận dụng cơ hội cho Việt Nam từ dịch Covid-19 để vực dậy và bứt phá.
Thứ ba, tìm "lối thoát" trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, "chớp cơ hội" tham gia vào các chuỗi giá trị mới, bạn hàng mới, "mở rộng" quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới có sự điều chỉnh và thay đổi.
Thứ tư, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới góp phần cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, địa phương và toàn nền kinh tế.
Thứ năm, xây dựng các kịch bản để phục hồi nhanh, đón đầu và thích ứng những thay đổi, với các quyết sách đúng đắn và kịp thời, đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...
Bên cạnh những chính sách đề xuất phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất trong trung và dài hạn. Trong đó, đầu tư công được coi là một ưu tiên trong phục hồi nền kinh tế bởi vì trong giai đoạn hậu Covid-19, cac doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nên đầu tư tư nhân sẽ khó phục hồi như trước đây.
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 cho thấy việc thúc đẩy đầu tư công tràn lan, đầu tư vào các dự án kém hiệu quả sẽ gây ra gánh nặng nợ công và bất ổn kinh tế vĩ mô mà phải mất nhiều năm sau mới khắc phục được.
Mặc dù vậy, vẫn cần các biện pháp đột phá trong thiết kế trình tự, thủ tục giải ngân nhanh các dự án đã rõ mục tiêu, hiệu quả đầu tư. Đối với đầu tư tư nhân, vẫn cần khuyến khích thúc đẩy. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số thông qua các công trình phát triển hạ tầng số.
Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh, cần có giải pháp kiểm soát thích hợp việc thâu tóm doanh nghiệp trong nước từ doanh nghiệp nước ngoài. Vừa qua, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất có thể tính tới tạm dừng việc mua bán sáp nhập (M&A) trong giai đoạn dịch Covid-19.
Trên thực tế, một số nước trên thế giới như Australia cũng đã áp dụng biện pháp tương tự. Hiện, Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài khác là rất lớn. Do vậy, đối với thu hút FDI ở thời điểm này, Chính phủ nên kiểm soát những lĩnh vực đầu tư nào có thể gây rủi ro về chính trị, kinh tế và xã hội.