Dịch bệnh virus corona (nCoV) diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu đã đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Toàn cầu đối mặt khó khăn
Đầu năm 2020, do bất ổn địa chính trị ở khu vực Trung Đông, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu… Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm còn 3,3% và 3,4% vào năm 2021 (chưa tính đến các tác động của nCoV). IMF cũng đánh giá kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đồng thời dự báo năm 2020, kinh tế nước này tăng trưởng khoảng 6%. Còn khi nCoV đã diễn ra thì kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng dưới 5%.
Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, đóng góp 14% GDP toàn cầu. Quan trọng hơn, quốc gia này có dân số 1,4 tỉ người nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn. nCoV ngày càng gia tăng thì kinh tế Trung Quốc càng suy giảm, kéo kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, giảm theo. Tuy nCoV đã lan đến Việt Nam nhưng Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,8%. Bởi hiện nay ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là bảo vệ sức khỏe người dân, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của xã hội để phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hiện nay, tổng cầu hàng hóa trên thế giới giảm đã làm cho giá dầu thô trên thị trường quốc tế từ 60 USD/thùng xuống còn 50 USD/thùng. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp tục giảm giá xăng dầu, kéo giá hàng hóa và lạm phát đi xuống. Từ đó, người dân sẽ tin tưởng Chính phủ có đủ nguồn lực phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân. Tiếp đến, Chính phủ cần xây dựng ngay các phương án hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại do nCoV gây ra, soạn sẵn kịch bản phục hồi kinh tế để khi dịch bệnh được dập tắt sẽ triển khai, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc sẽ chịu nhiều tác động bởi dịch nCoV. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần hỗ trợ ngay tức thời
Muốn làm được điều này, ngay từ bây giờ nhà nước cần sớm xác định đúng và trúng các ngành nghề, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Thực ra, nCoV ảnh hưởng tiêu cực và tích cực, gián tiếp và trực tiếp đến DN; hoặc DN bị tác động cả tiêu cực lẫn tích cực. Ví dụ, các đơn vị thuộc ngành du lịch, vận tải hành khách, khách sạn, giáo dục, bán lẻ trực tiếp… sẽ đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực. Còn các đơn vị xuất khẩu hàng dệt may, da giày, điện tử… thì bị tác động tiêu cực lẫn tích cực. Hầu hết nguyên liệu sản xuất của nhóm DN này đều nhập khẩu từ Trung Quốc, từ đó việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Bù lại, do dịch bệnh nên năng lực sản xuất của các DN Trung Quốc sẽ giảm, từ đó có thể nhiều đối tác nước ngoài tăng thêm đơn đặt hàng cho các DN Việt Nam. Riêng nhóm DN y tế, giáo dục online, thương mại điện tử, điện nước... chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Thậm chí, nhóm DN này có thể nhận được ảnh hưởng tích cực từ nCoV bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe, mua sắm hàng hóa, dịch vụ không tiếp xúc trực tiếp thường tăng cao.
Đặc biệt, nhóm DN có quan hệ xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất lớn do nCoV gây ra. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 41,5 tỉ USD, trong đó nông sản chiếm 17% (khoảng 7 tỉ USD) và trong con số này có 3,5 tỉ USD nông sản được xuất khẩu qua biên giới đất liền. Còn nhập khẩu từ Trung Quốc là 75,3 tỉ USD, bao gồm thiết bị máy móc, sắt thép, nguyên liệu sản xuất dệt may, da dày....
Khi nCoV tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng thì các DN xuất nhập khẩu qua đường biên giới sẽ tăng thêm mức độ ảnh hưởng. Bằng chứng rõ nhất là nước này vừa thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu biên giới đến cuối tháng 2-2020 thay cho dự kiến ban đầu là ngày 10-2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính xuất khẩu nước ta sang thị trường Trung Quốc quý I/2020 đạt khoảng 5,6 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; các mặt hàng nông - lâm - thủy sản giảm khoảng 30%-33%.
Như vậy, trong bối cảnh nCoV chưa có dấu hiệu dừng lại, nhóm DN mà nhà nước cần phải can thiệp ngay tức thời là nông sản, du lịch, dệt may, vận tải hành khách… Không để cho các DN này suy yếu mới "hà hơi tiếp sức" bởi khi đó việc hồi phục sức khỏe DN là rất khó, có thể làm cho kinh tế nước ta khó phục hồi.
Sớm triển khai các giải pháp tài chính
Để kịp thời hỗ trợ DN, trước mắt, Ngân hàng (NH) Nhà nước sớm hướng dẫn các NH thương mại cơ cấu lại nợ vay, tạm dừng tính lãi suất cho DN, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn dẫn đến tỉ lệ nợ xấu đi lên; nghiên cứu đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi. Đồng thời, NH Nhà nước giảm thêm các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá…), ban hành chính sách hỗ trợ mang lại lợi ích cụ thể cho các NH thương mại để họ có điều kiện giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng nCoV.
Mặt khác, nhà nước cần tính đến chính sách gia hạn nộp thuế giống như Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng cho các DN quốc gia này trong thời gian tới, hoặc thiết kế gói cho vay bắc cầu như Singapore vừa triển khai. Cùng với đó, tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố tích cực tháo gỡ mọi vướng mắc, sớm triển khai các dự án đầu tư công quy mô lớn như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận 2… để tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.