Đối với startup hay các doanh nghiệp nhỏ, vấn đề tuyển chọn nhân sự lại càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi nguồn lực, thời gian và cơ hội mắc sai lầm không có nhiều. Thậm chí, chúng ta đều hiểu "cái giá phải trả cho việc tuyển sai người còn đắt hơn chi phí bỏ ra khi để lỡ một nhân tài".
Cách đây khá lâu, trong một buổi hội thảo, chia sẻ về đội ngũ nhân sự giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng khẳng định điều ông cần là một đội ngũ lãnh đạo "đâu ra đó." Đội ngũ này sẽ tạo ra vốn, tạo ra quy trình, tạo ra văn hóa để đẩy doanh nghiệp đi về tương lai.
Để tìm được những cộng sự của mình trong thời gian đầu khởi nghiệp, ông Tài đánh giá ở 2 điểm. Thứ nhất, họ có cùng hệ tư tưởng với chủ tịch Thế giới di động không. Thứ 2 là họ có chia sẻ những giá trị mà ông Tài đang theo đuổi không, ví như: trung thực, cùng quan tâm đến người khác, cùng nhau làm những điều lớn lao.
So với thời điểm khởi nghiệp của Thế giới di động, ngày nay các startup có nhiều điểm thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm cộng sự và xây dựng đội ngũ. Tuy nhiên để đảm bảo xây dựng được một đội ngũ "đâu ra đó", cảm nhận trực tiếp của CEO vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Nhiều năm trước, tôi đã nhận được một lời khuyên rằng: Hãy chọn những người bạn cảm thấy quý trọng một cách tự nhiên và mong muốn làm việc cùng. Nhưng thực sự thì quan điểm này khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều. Bởi vì sự quý mến chỉ là cảm tính và không chắc chắn mang lại một giá trị cụ thể trong công việc", CEO Base.vn Phạm Kim Hùng chia sẻ.
Nhà sáng lập, CEO Base Phạm Kim Hùng
Theo ông Hùng, quan điểm này dường như đang bị lẫn lộn giữa cảm xúc cá nhân với quyết định quản trị. Ngoài ra rất dễ có thêm hệ quả là công ty sẽ có một nhóm người quá giống nhau.
"Trong suốt thời gian dài tôi đã suy nghĩ và luôn tự hỏi có nên dừng lại hay không? Mặc dù vậy, sau nhiều năm, tôi tin rằng đây là lời khuyên giá trị nhất mà tôi nhận được để áp dụng cho giai đoạn "Early stage" của startup." CEO này khẳng định.
Bất kỳ ai cũng dễ dàng nói: Hãy chọn người phù hợp với văn hóa của công ty, ngoài ra, tốt nhất là có một đội ngũ mà mỗi người giỏi một thứ để dễ bổ trợ cho nhau. Vấn đề là nói thì dễ, nhưng làm thì không đơn giản, đặc biệt khi startup mới chỉ có một vài người thì khái niệm về "văn hóa doanh nghiệp" là thứ khái niệm vừa mơ hồ, vừa không thực tế lại không rõ ràng.
Hơn nữa khi đang ở giai đoạn đầu, startup không thể dành thời gian cho việc xây dựng các quy trình tuyển dụng hay các chiến lược quản trị nhân sự, thay vào đó startup cần phải tập trung thời gian cho việc phát triển sản phẩm và làm việc với khách hàng.
Vì thế khi phải cân nhắc giữa việc mất rất nhiều thời gian, quy trình, nguồn lực để startup chọn được một người trình độ cao, nghiệp vụ giỏi, nền tảng tốt lại thêm văn hóa phù hợp với công ty, thì họ nên ưu tiên cho việc chọn những người mình cảm thấy quý trọng một cách tự nhiên và mong muốn làm việc cùng. Chưa kể, thời điểm đầu "văn hóa doanh nghiệp" mới chỉ manh nha hình thành trong tư tưởng của đội ngũ sáng lập, startup còn chưa hệ thống hóa được cụ thể, rõ ràng những giá trị như vậy, thì rất khó để biết được đâu mới là người đúng.
Theo ông Hùng, sự lựa chọn theo "cảm tính" này, không phải là không có căn cứ, thực tế nó sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Thứ nhất bạn sẽ có được một tập thể gắn kết nhanh hơn, vì sự quý trọng thường đến nhanh chóng từ cả hai phía. Thứ hai công ty có thể tập trung làm những điều quan trọng thay vì phải để ý hoặc kiểm soát thái độ của từng người. Thứ ba bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và vô cùng tích cực khi được làm việc cùng những người mình quý mến, điều này vô cùng quan trọng, bởi vì làm startup rất vất vả, áp lực và mệt mỏi, nhất là trong giai đoạn đầu tiên.
Tất nhiên, đến một thời điểm nhất định, việc dựa theo cảm xúc sẽ đóng vai trò ít hơn. Khi công ty lên đến 100-200 người, vấn đề quản trị con người cần được đặt trong một quy trình khoa học và có những tiêu chí đánh giá rõ ràng. Lúc này các quyết định về quản trị bao gồm cả việc tuyển dụng cũng không thể hoàn toàn dựa theo cảm tính.
Nói thêm về startup này được sáng lập năm 2016 bởi ông Phạm Kim Hùng. Ông Hùng được xem là gương mặt vàng của làng toán Việt Nam khi giành 2 huy chương Olympic Toán quốc tế. CEO này từng theo ngành khoa học máy tính và toán học tại Stanford. Phạm Kim Hùng từng được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 30 Under 30.
Hiện Base đã và đang phục vụ cho hơn 500 khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như VIB, VPBank, ACB, The Coffee House, McDonald’s, VinCommerce, Scommerce,...Mới đây startup này công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ hai (Pre Series A) với sự tham gia của 2 quỹ đầu tư lớn Alpha JWC Ventures và Beenext.
Cùng tham gia vòng gọi vốn này còn có 500 Startups và VIISA – hai quỹ đầu tư đã tham gia ở vòng hạt giống (Seed). Được biết, 1,3 triệu USD là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ B2B tại Việt Nam.