Nhiều doanh nghiệp Việt đã vươn ra thị trường quốc tế
Phát biểu tại Internet Day 2017, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã điểm lại 20 năm lịch sử của Internet Việt nam.
Việt Nam, từ con số 0 tròn trĩnh của những năm đầu thập niên 90 đã trở thành một nước triển khai mạng 2G từ sớm rồi phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng viễn thông phủ rộng từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến hải đảo, vùng núi.
Số liệu thống kê chưa chính thức cho biết năm 2017 Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 50% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới (khoảng 46%). Internet đã thay đổi hành vi, thói quen và cuộc sống của người Việt.
“Việt Nam đã có những bước tiến thực sự ấn tượng”, Bộ trưởng Tuấn nói và nhắc lại lời dự báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại APEC CEO Summit 2017. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm đứng đầu khu vực về số người dùng điện thoại di động, là tiền đề thuận lợi để phát triển hệ sinh thái Internet.
Cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng như Viettel, VNPT, FPT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói rằng đất nước đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VCCorp, VTC, VNG... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm do người Việt tạo ra đã gây được tiếng vang tầm quốc tế mà có thể kể đến là game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bên cạnh những điều tích cực, vẫn còn nhiều câu chuyện hạn chế như an toàn an ninh mạng... là thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý. Đồng thời, đó là lĩnh vực khiến Việt Nam có thể bị tụt lại trong nền kinh tế số.
Trận chiến sắp tới xoay quanh nội dung số
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, người mở đường cho Internet vào Việt Nam nói rằng ông không tưởng tượng ra những gì mà Internet có thể mang tới.
“20 năm trước, tôi không thể hình dung sẽ có smartphone thay cho mọi phương tiện. Không ai có thể tưởng tưởng nổi, nhưng tôi biết rõ ràng nó sẽ thay đổi mạnh mẽ, đấy là điều chắc chắn. Vì thế, đối với những cái mới, cần phải nhập cuộc ngay, đừng lừng khừng, lo ngại”, ông Trực cho biết.
Điều khó khăn của 20 năm trước theo ông là sự lo ngại, sự sợ hãi chứ không phải công nghệ, dịch vụ, kết nối. “Lo ngại quá đáng”, ông nhấn mạnh.
Và đến giờ, ông lặp lại, cách tốt nhất để phát triển trong cơn bão kinh tế số, khi mà những biên giới dần bị xoá bỏ là phải nhập cuộc, cùng đi với thế giới trên một chuyến tàu. Mà tại đó, theo ông, cần bỏ đi những rào cản giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đừng vì cơ quan quản lý sợ hãi mà thêm rào cản, “cái gì dở thì tìm cách loại bỏ chứ đừng hù doạ nhau”, ông nói.
Ông Nguyễn Thế Tân, CEO của VCCorp thì cho biết Việt Nam đang giữ vững được thị trường nội dung số khi vẫn giữ trong tay đến 40 – 50% thị phần. Ông Tân gọi đó là trận chiến cuối cùng trong thời gian tới.
“Nội dung số là mảng cuối cùng còn lại nhưng là mảng mạnh nhất”, CEO VCCorp khẳng định.
Bởi theo ông, điều may mắn là nội dung số do người Việt sản xuất, chủ quyền thuộc về người Việt và chúng ta hoàn toàn có cơ hội. 1 tỷ USD là con số về doanh thu được ông Tân đưa ra và nhận định tương đương với doanh thu từ xuất nhập khẩu dệt may bởi 100% là sản phẩm của mình.
“Chúng ta có doanh nghiệp mạnh, lợi thế địa phương khó bị lấn át nên dù là lãnh địa cuối cùng nhưng là cơ sở để làm chủ cuộc chơi. Nhìn xa hơn, khi Internet mở cửa để các nước vào Việt Nam thì ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng đi xuyên biên giới dễ dàng”, ông Nguyễn Thế Tân nhận định.
Dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nội dung số vẫn vấp phải những rào cản khó khăn mà như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận là Việt Nam đang bảo hộ ngược cho nước ngoài khiến cạnh tranh bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, hàng rào quản lý xiết lại với các doanh nghiệp trong nước nhưng lại không thể nắm được các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước lại liên kết lỏng lẻo, mạnh ai nấy chạy... như ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI.
Ông Tuấn nói rằng ở các cơ quan làm luật đang dường như đang có một sự sợ hãi khiến cho luật bị thắt chặt hơn, điển hình như Điều 292 hình sự hoá kinh doanh trên mạng.
“Nếu thắng được cảm giác này, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Đặc khu ảo cho doanh nghiệp công nghệ
Đây là đề xuất của ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp khi được hỏi: Làm thế nào để thắng trong trận chiến cuối cùng. Nhắc lại vấn đề bảo hộ ngược, ông Tân cho biết mảng nội dung số có đặc thù quan trọng là bị ràng buộc bởi chế tài kiểm duyệt.
“Doanh nghiệp Việt thì thế nhưng doanh nghiệp nước ngoài thì không”, ông nói và nhấn mạnh “Chúng ta đang cạnh tranh với điều kiện ít tiền hơn, công nghệ còn kém họ nhưng họ thì thoáng tay còn mình bị trói tay”.
Bày tỏ thông cảm với cơ quan quản lý khi những đơn vị này vừa phải tìm cách tháo gỡ nút thắt luật cho doanh nghiệp vừa cân đối mục tiêu quản lý nhà nước, ông Tân đề xuất về một mô hình đặc khu ảo nhằm dung hoà.
“Tại sao không lập ra đặc khu ảo cho các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông số? Tại đây, các doanh nghiệp tham gia cam kết nghiêm túc đóng thuế, nhưng các cơ chế quản lý, giấy phép khác với cái đang áp dụng bên ngoài. Ai đạt tiêu chuẩn thì vào. Như thế, doanh nghiệp có thể phát triển triệt để nguồn vốn, nhân sự,... mà không bị ràng buộc bởi những cơ chế”.
Đặc khu ảo, tương tự như 3 đặc khu đang được Quốc hội bàn thảo, sẽ là nơi thể nghiệm, thí nghiệm các chính sách cho nội dung số.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trước khi kết thúc phần toạ đàm cũng cho biết Bộ đang tìm cách có những chính sách cởi mở hơn với các doanh nghiệp. Ông cho biết không cấm các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhưng đồng thời có các chính sách cho doanh nghiệp trong nước bình đẳng. Như đã thừa nhận về một chính sách gần như bảo hộ ngược cho nước ngoài, ông chia sẻ: đã đến lúc để doanh nghiệp Việt được bình đẳng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.