Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng vào chiều 23/10/2018 đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội liên quan đến ý kiến của Viện Kiểm sát. Theo đó đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi. Việc Tòa án phán quyết ra sao sẽ còn chờ đến ngày 29/10/2018, ICTnews trích đăng những ý kiến đa chiều về vấn đề này.
Yêu cầu của Vinasun là không có căn cứ pháp luật
Theo ý kiến của Luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty Luật Việt, ông hoàn toàn đồng ý với nhận định của Viện kiểm sát TP.HCM khi cho rằng, Grab là một công ty vận tải taxi nhưng không đồng ý việc Grab phải bồi thường thiệt hại cho Vinasun.
Grab đích thị là công ty vận tải, không phải là công ty công nghệ. Viện Kiểm sát cho rằng, phải là công ty vận tải mới có quyền điều động tài xế chở khách, có quyền giảm giá, khuyến mãi thậm chí về 0 đồng. Tuy nhiên, Grab hay Uber ra đời và hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ. Nghĩa là, Grab không sở hữu xe, ai có xe thì đưa ra kinh doanh,Grab quản lý bằng app, lái xe đồng ý với chính sách của Grab thì kết nối vào chạy, được hưởng cước và thưởng theo chính sách của Grab. Sự ra đời của Uber/Grab đã định nghĩa lại ngành công nghiệp taxi nên việc Viện Kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu của Vinasun là không có căn cứ pháp luật.
Thiệt hại của Vinasun là do rào cản chính sách
Theo anh Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công - thành viên Ban Pháp chế VCCI, trong cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thông, việc taxi công nghệ ứng dụng công nghệ khiến họ rẻ hơn, chất lượng tốt hơn là điều không ai phủ nhận, kể cả các hãng taxi truyền thống cũng công nhận điều này. Grab nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, giống như một anh A to khỏe hơn, thắng anh B yếu hơn, đây là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai, chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ khi đọc các quy định quản lý taxi.
Ví dụ, một số quy định taxi truyền thống phải tuân thủ mà Grab thì không: taxi phải có mào và phải đăng ký màu sơn; taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; taxi có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông, Sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ. Taxi phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá cước phải báo trước 15 ngày, chứ không linh hoạt theo từng giây như Grab. Số lượng xe taxi bị giới hạn bởi quy hoạch của mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab, taxi truyền thống còn phải đóng bảo hiểm cho tài xế…
Theo ông Nguyễn Minh Đức, với các quy định trói buộc taxi truyền thống này, đáng lẽ ra, Nhà nước không nên quy định như vậy và phải để cho taxi truyền thống tự do cạnh tranh với taxi công nghệ.
Lý do thứ ba, Grab cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh. Một trong những hành vi bị cấm trong luật cạnh tranh là "bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh".
Thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho. nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang "bán phá giá" nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường.
Theo anh Nguyễn Minh Đức, câu hỏi đặt ra là lý do thứ hai và lý do thứ ba có tồn tại không? Và nếu có thì đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của các hãng taxi truyền thống?
Lý do thứ hai thì chắc chắn đang tồn tại. Câu hỏi bây giờ là lý do này đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của Vinasun? Phần thiệt hại này, đáng ra phải do Nhà nước chịu trách nhiệm, vì Nhà nước là người ban hành những quy định bất bình đẳng nêu trên.
Thực tế thì thời gian qua, khi sửa Nghị định 86, Vinasun đã vận động mạnh mẽ để không còn sự bất bình đẳng như trên đã liệt kê. Nhưng thay vì vận động Bộ Giao thông Vận tải gỡ bỏ rào cản cho mình, Vinasun lại đang vận động Bộ quàng thêm rào cản cho Grab. Có thể do Vinasun nhận thấy rằng Bộ Giao thông Vận tải thích thêm rào cản hơn là bớt rào cản nên mới làm vậy.
Lý do thứ ba thì cần phải xác định rất nhiều yếu tố mới có thể kết luận được và tòa án cần làm rõ yếu tố vi phạm Luật Cạnh tranh trước khi ra phán quyết.