Trong nhiều trường hợp, 90% là con số đẹp. Nhưng trong 1 nền kinh tế, 90% là con số đem đến sự nghèo nàn, cực khổ. Trung Quốc là ví dụ minh chứng rõ ràng cho điều đó. Nước này đã bắt đầu chấm dứt lệnh phong tỏa từ tháng 2. Các nhà máy hoạt động trở lại và đường phố không còn vắng vẻ. 90% nền kinh tế đã hoạt động trở lại – tốt hơn so với khi áp dụng các lệnh phong tỏa ngặt nghèo. Nhưng nền kinh tế vẫn đang ở khoảng cách rất xa so với mức bình thường.
Chỉ thiếu vắng 10% nhưng cuộc sống thường ngày bị ảnh hưởng nặng nề. Lưu lượng khách trên các tuyến tàu điện ngầm và các chuyến bay nội địa giảm 1/3. Chi tiêu tiêu dùng không thiết yếu, ví dụ như đi ăn hàng, giảm 40% và các khách sạn cho biết lượng đặt phòng chỉ bằng 1/3 bình thường. Người dân bị gánh nặng tài chính cũng như nỗi sợ làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát đè nặng. Số vụ phá sản và lượng người thất nghiệp tăng, mà theo 1 môi giới chứng khoán cho là phải cao gấp 3 con số chính thức, tức khoảng 20%.
Nếu con số 90% vận vào tất cả các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Kịch bản này có khả năng cao sẽ xảy ra ít nhất là cho đến khi thế giới tìm ra được vaccine hoặc thuốc chữa. GDP Mỹ giảm 10% sẽ là mức giảm mạnh nhất kể từ thế chiến thứ hai. Covid-19 càng gây ra những thiệt hại lớn thì những tác động về kinh tế, xã hội, chính trị càng trầm trọng và kéo dài hơn.
Chính cách nới lỏng lệnh phong tỏa cũng phản ánh mức độ thiệt hại về kinh tế. Ví dụ, cân nhắc giữa chi phí và lợi ích thì mở cửa trường học đầu tiên sẽ là lựa chọn tốt nhất. Nhưng có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét và chúng đang kéo nền kinh tế tụt lùi.
Trước tiên, dỡ bỏ phong tỏa là cả 1 quá trình chứ không phải 1 sự kiện. Kể cả khi điều tồi tệ nhất đã qua, số ca nhiễm vẫn giảm xuống một cách rất chậm chạp. 1 tháng sau khi số ca tử vong ở Italy đạt đỉnh ở mức 900/ngày, hiện mỗi ngày nước này vẫn có 300 người thiệt mạng. Và vì virus vẫn còn, vẫn phải giữ các lệnh cách ly xã hội.
Lý do thứ hai là sự thiếu chắc chắn. Sau khi ngừng phong tỏa, có rất nhiều điều chúng ta không thể biết chắc là có xảy ra hay không, ví dụ như liệu có làn sóng lây nhiễm thứ hai, liệu đã có miễn dịch hay bao giờ mới có vaccine. Những điều này hằn sâu trong tâm trí những người lo sợ bệnh dịch. Kể cả khi một số bang đã nới lỏng giãn cách xã hội, 1/3 người Mỹ cho biết họ không cảm thấy thoải mái để có thể tới trung tâm thương mại.
Khi Đức cho phép các cửa hàng nhỏ mở cửa hồi cuối tháng 4, các khách hàng vẫn tránh xa. Người Đan Mạch ở nhà và cắt giảm đến 80% chi tiêu cho dịch vụ (như du lịch và giải trí). Nhưng các nhà kinh tế Đan Mạch cho rằng những người dân ở nước láng giềng Thụy Điển cũng cắt giảm ở mức độ tương tự dù không bị phong tỏa.
Sau thời kỳ phong tỏa, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu tiền trong khi phải đối mặt với lực cầu rất yếu. Theo 1 khảo sát của Goldman Sachs, gần 2/3 các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ nói rằng họ sẽ hết tiền mặt chỉ trong 3 tháng nữa. Ở Anh số người đi thuê không thể trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh đúng hạn đã tăng tới 30%. Đầu tư, phần đóng góp 25% GDP, sẽ sụt giảm mạnh không chỉ vì các doanh nghiệp thiếu tiền mà còn vì họ không thể dự báo được rủi ro.
Những công ty gặp khó khăn càng khiến tình hình tài chính của người lao động thêm khốn khó. Trong 1 khảo sát của Pew Research, hơn 1/3 người được hỏi cho biết nếu bị mất đi nguồn thu nhập chính thì số tiền mà họ tiết kiệm được, vay mượn hay bán tài sản sẽ chỉ đủ cho họ trang trải trong hơn 3 tháng. Vì những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất lại sử dụng rất nhiều lao động giá rẻ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề.
Hơn 30 triệu lao động, tương đương 20% lực lượng lao động ở 5 nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tham gia chương trình đặc biệt được nhà nước trả lương. Chính phủ các nước đã tung ra những biện pháp hỗ trợ hào phóng, nhưng vì rất tốn kém nên không biết có thể kéo dài bao lâu.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi nỗi sợ. Các công ty thích nghi với Covid-19 bằng cách giảm chi phí và tìm ra cách làm việc mới có thể tăng năng suất. Nhưng nếu mọi người không thể quay trở lại cuộc sống bình thường nhiều tháng sau khi dỡ phong tỏa, họ bị bỏ rơi khỏi mạng lưới chuyên nghiệp và có thể mất đi kỹ năng. Những người lao động Mỹ có thể đối mặt với thập kỷ mất mát.
Những chương trình an sinh xã hội của các chính phủ có thể cứu vớt doanh nghiệp trong ngắn hạn và đáng được hoan nghênh. Nhưng chúng có nguy cơ tạo ra những công ty xác chết không thể sống sót nhưng cũng không thể phá sản, làm chậm lại chu kỳ tái tục vốn và nhân lực.
Kinh tế thế giới càng ở trong trạng thái lâu hơn thì càng khó bừng tỉnh hơn. Sau dịch cúm Tây Ban Nha hơn 1 thế kỷ trước hay dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ, thế giới vẫn luôn khao khát cháy bỏng đưa cuộc sống quay trở lại bình thường. Nhưng 2 dịch này không thể sánh với Covid-19 về mức độ tàn phá kinh tế, và kỳ vọng của người dân vào chính phủ ở thời điểm hiện tại cũng lớn hơn nhiều so với 1918.
Đối với nước Mỹ, 1 cuộc suy thoái sâu và kéo dài sẽ thổi bùng lên sự giận dữ khi vạch trần những viện dưỡng lão sập xệ, tỷ lệ tử vong của nhóm thiểu số cao hơn mức trung bình và thực tế là có quá nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ y tế. Những người Mỹ kiếm được ít hơn 20.000 USD mỗi năm có khả năng mất việc cao gấp đôi so với người kiếm được hơn 80.000 USD. Điều đó dẫn đến kêu gọi cải cách.
Cuộc khủng hoảng lần này sẽ gây ra tác động chính trị lớn hơn và diễn biến nhanh hơn so với khủng hoảng tài chính 2007-09. Nhiệm vụ của những người tin vào thị trường mở và hạn chế quyền lực của chính phủ sẽ là đảm bảo nguồn năng lượng này được phân phối đến những thay đổi đúng đắn. Có lẽ sự thành công của Đức và Đài Loan mà 1 phần nguyên nhân đến từ thể chế mạnh sẽ đối lập với Mỹ, nơi mà các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy dành thời gian để nhạo báng giới chuyên môn như đang đứng trên sân khấu kịch.
Chủ nghĩa dân túy nổi lên sau khi các chính trị gia của thời kỳ 2007-09 thất bại trong việc làm thỏa mãn những người dân bất mãn đòi hỏi sự thay đổi. Nền kinh tế 90% sẽ còn gây ra những thay đổi lớn hơn nhiều lần.
Tham khảo The Economist