Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết nền kinh tế Singapore đã giảm 42,9% trong quý 2/2020 so với quý trước. Số liệu mới được cập nhật cho thấy tình trạng của nền kinh tế này tồi tệ hơn so với dự báo chính thức được công bố tháng trước là 41,2% và xác nhận quốc gia Đông Nam Á này rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Ước tính mới nhất dựa phần lớn vào dữ liệu từ tháng 4 và tháng 5 cho thấy nền kinh tế bị thu hẹp 41,2% trong quý 2 so với 3 tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quốc gia này đã giảm 13,2% trong quý kết thúc vào ngày 30/6. Số liệu này tệ hơn so với ước tính trước đó khi cho rằng GDP giảm 12,6% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn nền kinh tế Singapore đã phải đóng cửa từ đầu tháng 4 khi quốc gia này phong tỏa một phần để làm chậm khả năng lây lan của Covid-19. Một số hạn chế được bắt đầu nới lỏng từ đầu tháng 6 và nền kinh tế đã được mở lại gần như toàn bộ.
"GDP giảm là do các biện pháp giãn cách xã hội, được thực hiện từ 7/4 đến 1/6 nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19 ở Singapore cũng như nhu cầu bên ngoài yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vì dịch bênh", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết.
Tại Singapore, có 55.000 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận và 27 trường hợp tử vong liên quan tới dịch bệnh. Tuy hầu hết các ca mắc đã phục hồi nhưng tới ngày 10/8, Bộ Y tế Singapore cho biết vẫn còn 5.656 người dương tính với virus corona.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết việc giãn cách xã hội đã khiến toàn bộ các hoạt động xây dựng bị đình chỉ trong quý 2, dẫn tới việc lĩnh vực này sụt giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Đợt bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng người lao động nhập cư, với một lực lượng đông đảo làm trong ngành xây dựng, khiến khó khăn trong lĩnh vực này gia tăng.
Ngoài ra, sản xuất giảm 0,7%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 41,4%, Vận tải và lưu kho giảm 39,2%, thương mại bán buôn và bán lẻ giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lĩnh vực Tài chính và bảo hiểm tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lĩnh vực duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng.
Tình hình không mấy khả quan cũng khiến Bộ Thương mại và Công nghiệp phải sửa đổi dự báo kinh tế cả năm của mình. Theo đó, Bộ này cho rằng kinh tế Singapore sẽ suy giảm 5-7% trong năm nay thay vì mức 4-7% được đưa ra trước đó.
Các lý do được đưa ra cho việc hạ dự báo tăng trưởng bao gồm môi trường kinh tế bên ngoài khó khăn đè nặng lên các lĩnh vực như vận tải, kho bãi cũng như thương mại và buôn bán. Ngoài ra, việc mở lại biên giới quốc tế bị đình trệ gây áp lực cho các ngành phụ thuộc vào du lịch và lữ hành. Cuối cùng, các ngành phụ thuộc vào lao động nước ngoài của Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng này.
Tuy nhiên, một số điểm sáng cũng được nêu ra, trong đó có nhu cầu lớn hơn với chất bán dẫn hay các lĩnh vực y sinh.
"Ngay cả khi dự báo tăng trưởng được thu hẹp, vẫn tồn tại sự không chắc chắn lớn nhất là khi tác động của Covid-19 với nền kinh tế là thể đoán trước cả ở trong nước và trên toàn cầu", Bộ Thương mại và Công nghiệp nhận định.
Chia sẻ với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing thừa nhận: "Sẽ mất một khoảng thời gian dài để phục hồi và sự phục hồi đó dường như sẽ không suôn sẻ. Chúng ta cần tính đến việc bùng phát dịch bệnh và tái lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng".
Kể từ tháng 6, nền kinh tế Singapore đã được mở cửa trở lại cùng với các biện pháp kích thích giá trị hơn 19% GDP nhưng triển vọng vẫn không chắc chắn nhất là khi dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị cắt giảm thêm việc là trong tình cảnh nền kinh tế chưa có gì cải thiện.
Trong khi đó, cơ quan tiền tệ Singapore cho rằng chính sách tiền tệ hiện nay vẫn phù hợp. Lần cuối cùng MAS nới lỏng chính sách tiền tệ là vào tháng 3 và dự kiến họ sẽ đưa ra quyết định với chính sách này trong tháng 10.
Không chỉ riêng Singapore, sự thiếu chắc chắn do Covid-19 gây áp lực lên hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới. Bài toán này chỉ có thể được giải phần nào khi vắc xin chống Covid-19 ra đời và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn trong khi năng lực sản xuất và vận tải có hạn có thể khiến vắc xin chống Covid-19 phải mất nhiều tháng để có thể tới tay người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.