Trong một báo cáo mới đây, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ mức 4,5% xuống còn 3% (giảm 1,5 điểm %). Nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ hoặc các nước Tây Âu vốn đã phải đương đầu với "bão giá" nay lại phải đối đầu với nỗi lo mới đó là suy giảm kinh tế.
Không ít ngân hàng trung ương đã bắt đầu tác động tăng lãi suất để khống chế lạm phát. Một số khác thì vẫn giữ nguyên quan điểm, duy trì ở mức thấp hoặc thậm chí là hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng phục hồi hậu đại dịch.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Hội thảo "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam – lần 2" do trường Đại học Kinh tế TPHCM, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận về vấn đề này.
Phiên thảo luận của hội thảo
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, đại học Bristol, Anh quốc chia sẻ, ngay trong nội bộ những nền kinh tế lớn nhất thế giới và các nhà tư vấn chính sách hàng đầu cũng đang tồn tại 2 luồng quan điểm trái ngược nhau về việc liệu có nên hay không tăng lãi suất để khống chế lạm phát.
Chuyên gia cũng chỉ ra những đại diện cho 2 xu hướng ý kiến này đó là Lawrence Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ và Joseph Sitglitz – một chuyên gia kinh tế của Mỹ. Cụ thể, ông Summer ủng hộ quan điểm FED nên tăng lãi suất để kìm hãm "bão giá" và ông Sitglitz cho rằng dù nâng lãi suất cũng chưa chắc đã khống chế được lạm phát.
Theo quan sát của chuyên gia tại thị trường Hoa Kỳ, phần lớn các doanh nghiệp có lợi nhuận biên dưới 10% thường lãi vay sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu. Nếu tăng gấp đôi lãi suất, các doanh nghiệp này gần như không có lãi hoặc lỗ.
Cũng chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, nền kinh tế Việt Nam thời gian tới như một phương trình 4 ẩn đó là: 1) giữ được tăng trưởng GDP, 2) Kiểm soát lạm phát, 3) Giảm thất nghiệp, và 4) duy trì xuất khẩu ròng.
Về vấn đề giải quyết lạm phát trước hay duy trì đà tăng trưởng, ông cho rằng "lạm phát là thuế vô hình đánh lên toàn dân. Nó tuy tác động xấu, nhưng sẽ xấu hơn nếu để tình trạng trì trệ và thất nghiệp xuất hiện".
PGS.TS Võ Tất Thắng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi đề cập đến nền kinh tế không phải chỉ xét tới yếu tố hiệu quả mà còn phải có cả sự công bằng và phát triển bền vững. Chuyên gia khuyến nghị nên giải quyết lạm phát trước, vì tăng trưởng chưa chắc đã có thể giúp ích được cho người nghèo.
TS.Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ "Phải xem chừng lạm phát nhưng dứt khoát phải triển khai các gói hỗ trợ để tăng trưởng".
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, vị thế hiện tại rất khác so với thời điểm của khủng hoảng 2008. Dự trữ ngoại hối lẫn bộ đệm vốn của ngân hàng đều tốt hơn lúc đó.
Ông kiến nghị, phải triển khai nhanh và có hiệu quả gói hỗ trợ 350.000 tỷ và đặc biệt chú ý gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có hoạt động điều tiết phù hợp. Đồng thời, ông cũng lưu ý việc trong bối cảnh lạm phát, nếu thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh, thanh khoản nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh và điều này cũng khiến cho đà phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ khó khăn hơn.
Tiến sĩ Trương Văn Phước thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng lãi suất thực hiện đã rất cao, không có lý do để tăng lãi suất thêm. Ông cũng dự báo, từ đây đến cuối năm, lạm phát có thể quanh mức 4%, thay đổi của lãi suất có thể dao động trong biên độ 0,5-0,75%.
Có thể thấy, giữa việc duy trì tăng trưởng và giải quyết lạm phát là một bài toán khó trong tình hình hiện nay. Thông thường, nền kinh tế Việt Nam có 1 độ trễ nhất định hơn so với nền kinh tế thế giới. Vì thế việc theo dõi các biến động vĩ mô cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác để tìm quyết sách kinh tế phù hợp là một điều hết sức hệ trọng trong thời gian tới.