Theo chị Thanh Mai ở Hoàng Mai, Hà Nội, chuyên kinh doanh mỹ phẩm online cho biết, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng nổ, các đơn hàng mỹ phẩm của chị đã phần lớn chuyển sang thanh toán qua ngân hàng hoặc các kênh online. Chị cho biết, có kênh ngân hàng đúng là đỡ vất vả hơn, cũng đỡ phải kiểm đếm hoặc sợ tiền giả. Thế nhưng, có một trường hợp khiến cho trải nghiệm của chị đối với các dịch vụ ngân hàng không tốt đó là đôi khi khách hàng báo chuyển khoản thành công nhưng chị lại không nhận được tiền.
Anh Hoàng Tiến chủ một cửa hàng quần áo tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp phải trường hợp tương tự. Có những mùa cao điểm, anh phải liên tục nhập hàng và có những đơn hàng đẹp yêu cầu chuyển khoản ngay để đặt cọc. Anh thực hiện nhanh chóng theo yêu cầu của bạn hàng, thế nhưng tài khoản đối tác lại không nhận được và phải mất hơn 1 ngày sau thì tài khoản đối tác mới nhận được. Vì tiền đến chậm, cơ hội kinh doanh cũng đã lỡ.
Liên quan vấn đề dù đã nhận được tin nhắn trừ tiền nhưng người thụ hưởng vẫn không nhận được, các ngân hàng đã có hướng dẫn tới khách hàng của họ.
Theo Vietcombank, các khách hàng nên trước tiên kiểm tra lại biến động số dư trên tài khoản của mình qua ứng dụng Digibank, nếu tài khoản trên ứng dụng đã trừ tiền mà người dùng vẫn chưa nhận được, khách hàng cần liên hệ với Vietcombank qua hotline hoặc qua các phòng giao dịch để được hỗ trợ tốt nhất.
ACB thì cho biết, với trường hợp người dùng thực hiện chuyển khoản bằng ATM ngân hàng ACB nhưng người nhận không nhận được tiền, khách hàng nên liên hệ các chi nhánh/phòng giao dịch của ACB để khiếu nại giao dịch thẻ. Trong vòng 5 ngày làm việc ngân hàng sẽ thông báo kết quả khiếu nại cho khách hàng.
Xác định lý do chuyển tiền thành công nhưng người nhận không nhận được tiền, ngân hàng số Timo đã chỉ ra 4 lý do dẫn đến tình trạng này đó là 1) sai thông tin người nhận, lỗi đường truyền, 2) lỗi hệ thống ngân hàng, 3) sử dụng dịch vụ chuyển tiền thường, 4) chuyển tiền vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
Các chuyên gia cho biết, bên cạnh các lỗi khách quan dẫn đến chuyển tiền không thành công, hiện nay cũng xuất hiện một số trường hợp lừa đảo bằng cách gửi các hóa đơn xác nhận đã chuyển khoản giả để chiếm đoạt các hàng hóa hoặc dịch vụ này. Trường hợp này thường xảy ra đối với các shop kinh doanh online, khi các đối tượng gửi ảnh chụp màn hình được chỉnh sửa, cắt ghép tinh vi có nội dung chuyển khoản thành công đến các chủ shop nhằm lừa gạt chiếm đoạt các hàng hóa/dịch vụ, các chuyên gia cảnh báo người dùng nên cẩn thận với các trường hợp này.
Một trường hợp khác cũng nên lưu ý, đó là việc bên thụ hưởng sau khi nhận được tiền chuyển khoản, thiếu thiện chí trong giải quyết tranh chấp hoặc có hành vi chiếm đoạt số tiền này. Người dùng nên lưu giữ lại các chứng từ, hóa đơn xác minh giao dịch để làm bằng chứng cho khiếu nại, tố cáo các đối tượng trên, các chuyên gia khuyến cáo.