Sinh viên vay nợ để đầu tư chứng khoán đã bị âm 200% tài khoản, lỗ hàng trăm triệu đồng. Một nhà đầu tư mất sạch khoản tích lũy nhiều năm do tham gia đầu tư tiền ảo. Đường nào để những trường hợp này "về bờ"?
Mặc dù thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận với các kênh đầu tư rất sớm, song vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức mà đã mắc phải những sai lầm không mong muốn. Một số trường hợp còn để lại những hậu quả lớn.
Tại chương trình Tự do tài chính số 37: "Tiền ít - làm sao để hết ít tiền?", phát sóng trên VTV Digital ngày 16/09, một khán giả có chia sẻ rằng mình có đầu tư vào các sản phẩm tiền ảo nhị phân và đã mất trắng toàn bộ khoản tích lũy. Một vị khác cho biết, người này là sinh viên đi vay nợ để đầu tư chứng khoán, hiện tài khoản đang bị âm 200%, tương đương mức lỗ gần 300 triệu. Cả hai trường hợp đều mong muốn được các chuyên gia hướng dẫn cách xử lý cho những khoản đầu tư của mình.
Những "cạm bẫy" nào đã đẩy nhà đầu tư đến cảnh thua lỗ?
Về trường hợp đầu tư tiền ảo và mất trắng khoản tích lũy, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phụ trách phát triển kênh phân phối đối tác Dragon Capital (DCVFM) cho biết, "Đầu tư vào các sản phẩm tiền tệ như trên rất rủi ro. Sai lầm lớn nhất của bạn ở đây là để quá nhiều vào một tài sản và nó đã khiến bạn phải đối mặt với việc mất toàn bộ vốn".
Bên cạnh những sai lầm của khán giả kể trên, chuyên gia cũng chia sẻ về một số "cạm bẫy" mà nhà đầu tư, đặc biệt là người trẻ có thể gặp phải trong quá trình tìm kiếm cơ hội gia tăng tài sản.
Thứ nhất đó là không xác định mục tiêu rõ ràng, không có kế hoạch hành động và kiên định trong việc hoàn thành những gì đã đề ra. Sai lầm này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư có thể gặp phải nỗi sợ bị bỏ lại (FOMO), hay ghen tị với người chiến thắng, "đứng núi này, trông núi nọ". Từ đó, dễ có những hành động sai lầm, bị mua đỉnh bán đáy.
Thứ hai là tâm lý chủ quan, càng ít vốn thì càng không được để mất. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhà đầu tư trẻ lại có suy nghĩ vì những khoản đầu tư có giá trị nhỏ, nên có mất cũng không sao.
Theo Host Ngọc Trinh, điều quan trọng nhất khi ít vốn, ít kinh nghiệm là làm sao cho kinh nghiệm dày hơn và bảo vệ tài khoản an toàn, thay vì cứ nghĩ có thể kiếm được nhiều tiền cũng như lãi từ những lời mời gọi trên thị trường. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho tài khoản của mình và không ai có thể gánh thay người khác trọng trách đó.
Nên làm gì để tránh những thua lỗ?
Với trường hợp của bạn sinh viên thua lỗ gần 300 triệu, theo ông Huỳnh Tuấn Thuế, Giám đốc vùng, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC),"Mới bắt đầu thì chỉ nên dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Trong quá trình đi học, có thể làm thêm hoặc từ người thân cho thì bạn có thể trích ra để đầu tư, còn đi vay để đầu tư thì rất rủi ro. Nếu rơi vào tình trạng này thì phải nỗ lực học để ra trường, rồi đi làm, nỗ lực cống hiến, trao giá trị và phát triển thu nhập để lấy tiền hoàn trả lại các khoản này. Khi hoàn thiện phương pháp đầu tư thì chúng ta hãy trở lại để bắt đầu một hành trình xa hơn".
Ông cũng nhấn mạnh, mặc dù đầu tư sớm là rất tốt, song khi mới bắt đầu, những nhà đầu tư trẻ nên ưu tiên đặt mục tiêu là làm sao có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhiều nhất. Từ đó, dần dần hoàn thiện phương pháp đầu tư. Đừng quá đặt nặng lợi nhuận vì có thể lợi nhuận đến rồi cũng sẽ đi. Tuy nhiên, nội lực vững chắc và phương pháp hiệu quả sẽ tạo cơ sở cho các bạn có khả năng nhìn thấy được rất nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán và có thể phát triển tài sản bền vững. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm cho mình các hình mẫu thành công, hoặc bạn đồng hành để có được những "ngọn hải đăng" chỉ lối trên hành trình này.
Theo Host Ngọc Trinh, tỷ lệ thành công trên thị trường rất thấp, câu chuyện ở đây nhà đầu tư phải xác định khả năng chịu đựng rủi ro là bao nhiêu. Điều quan trọng thứ hai là khi gặp phải rủi ro thì nên xem đó là học phí cho bài học kinh nghiệm rút ra và tiếp tục cải thiện. Vì trên thị trường tài chính, khi người có tiền mà không có kinh nghiệm gặp người có kinh nghiệm mà không có tiền thì người có tiền sẽ có kinh nghiệm và người có kinh nghiệm sẽ có tiền.