Kết thúc phiên giao dịch khuya ngày 6/7 giá dầu thô Brent giảm 2% xuống 100,69 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1% xuống 98,53 USD/thùng.
Theo chuyên gia, cần cần nâng cao công tác dự báo các yếu tố thị trường, triển khai mạnh mẽ và khuyến khích sử dụng các năng lượng thay thế xăng dầu (ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, theo thông tin từ Reuters, giá dầu đã nhích tăng vào ngày 7/7 (theo giờ địa phương) do các nhà đầu tư quay trở lại tập trung vào nguồn cung thắt chặt, ngay cả khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu. Cụ thể, dầu thô Brent giao sau tăng 4,68 USD, tương đương 4,7%, lên 105,37 USD/thùng. Dầu thô WTI giao sau tăng 5,11 USD, tương đương 5,2%, lên 103,64 USD / thùng.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết, với nguồn cung dầu của Nga dự kiến sẽ giảm vào năm sau và phần còn lại của OPEC không đầu tư vào việc duy trì năng lực sản xuất, thì giá dầu 100 USD sẽ neo lại trong một thời gian.
Hiện tại, các thương nhân đang chuẩn bị tinh thần cho sự gián đoạn nguồn cung dầu tại Caspian Pipeline Consortium (CPC), đơn vị đã bị tòa án Nga yêu cầu tạm dừng hoạt động trong 30 ngày. Trước những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu có thể vẫn eo hẹp, Mỹ đã thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với thành viên OPEC là Iran mới đây nhằm gây sức ép với Tehran, khi nước này tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và giải phóng hàng xuất khẩu khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong vài tuần qua, giá dầu đã giảm, làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế mạnh và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa. Nhiều dự báo mới về giá dầu cũng được các chuyên gia đưa ra. Ngân hàng Citi mới đây dự báo rằng, giá dầu từ nay đến cuối năm có thể xuống mốc 65 USD/thùng nếu như nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Hãng tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates cho hay, khả năng suy thoái cao ngày càng áp đảo tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu. Thị trường dầu dường như đang ghi nhận nhu cầu yếu đi, rõ nhất là với xăng và dầu diesel.
Trái ngược với các nhận định trên, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá dầu Brent kỳ hạn tại thị trường London có thể tăng lên 140 USD/thùng trong quý 3/2022. Goldman Sachs còn cho biết, giá bán lẻ xăng trong mùa hè năm nay cần phải tăng lên mức phù hợp với giá dầu 160 USD/thùng mới kéo được nhu cầu đi xuống. Còn theo các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co cảnh báo, nếu Nga cắt giảm nguồn cung 5 triệu thùng/ngày, như một đòn trả đũa đối với việc nhóm G7 áp mức giá trần với dầu của nước này thì giá dầu có thể lên tới 380 USD/thùng.
Trong nước, cập nhật thông tin thị trường xăng dầu nhập khẩu cho thấy, giá xăng dầu nhập đang thấp hơn giá kỳ trước. Mức chênh lệch tính đến ngày 4.7 so kỳ điều hành trước đối với xăng là hơn 1.300 - 1.400 đồng/lít, đối với dầu từ 1.200 - 1.700 đồng/lít. Dự báo, điều hành giá kỳ tới (ngày 11.7), cộng với Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có hiệu lực, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm mạnh.
Ngày 7/7, giá xăng E5 RON 92 không quá 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.763 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.615 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.353 đồng/lít và dầu mazut không quá 19.722 đồng/kg.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, giá xăng dầu trong nước đang gắn với các yếu tố như xu hướng chung của các mặt hàng trên thế giới, cùng với đó là sự kiểm soát sản lượng của các nước cung cấp dầu OPEC+ và đặc biệt là chiến sự giữa Nga - Ukraine gây ra xung đột lợi ích giữa Nga - Mỹ - các nước EU, tạo ra sự đứt gẫy chuỗi cung ứng năng lượng truyền thống.
Về nguyên tắc, các mặt hàng gắn liền với đầu vào xăng dầu cũng tăng lên, thậm chí kích thích hoạt động đầu cơ tích trữ khác, dẫn đến khan hiếm giả tạo. Khi đó, người dân phải tiết giảm tiêu dùng làm tổng cầu của xã hội giảm xuống. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cung – tổng cầu theo xu hướng co hẹp, tạo áp lực về công ăn việc làm, thu nhập, giảm độ tăng trưởng và gây ra trục trặc trong các hợp đồng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Việc kiểm soát giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Chúng ta đã có nhiều giải pháp như đa dạng hoá nguồn cung, tăng thay thế nguồn cung đang thiếu hụt, giảm chi phí trực tiếp ảnh hưởng đến giá xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường giúp giảm chi phí đầu vào và giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên vẫn cần nâng cao công tác dự báo các yếu tố thị trường, triển khai mạnh mẽ, khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế xăng dầu”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị thêm, Việt Nam nên nâng cấp quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia hiện nay thành quỹ an ninh năng lượng quốc gia, giúp đa dạng nguồn năng lượng và trở thành quỹ tập trung với khả năng dự trữ xăng dầu cao hơn, từ đó đảm bảo tính an toàn và quản lý của nhà nước được chặt chẽ hơn.
“Sự bổ sung của thiếu hụt nguồn cung không khó, vấn đề là chúng ta mua như thế nào để được giá rẻ, đúng loại có chất lượng theo yêu cầu, tránh được những mặt trái liên quan đến các nước trên thế giới đang thực hiện cấm vận. Nhìn chung, phải đi qua giai đoạn căng thẳng này để ổn định tình hình bằng cách đa dạng nguồn cung, có nguồn cung giá rẻ và giữ quan hệ đối tác tốt với các nước cần thiết”, vị chuyên gia phân tích.