Một năm thành công lớn
Năm 2018, xét về thuận lợi, thì yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định đã hỗ trợ cho lãi suất, tỷ giá hối đoái cũng ổn định; cùng với đó Nghị quyết 42 của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là những công cụ pháp lý mới hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó kinh tế thế giới phục hồi trở lại, kinh tế Việt Nam cũng thuận lợi theo. Thuận lợi vô cùng quan trọng nữa là thị trường BĐS phục hồi. Tất cả những yếu tố thuận lợi đó đã tạo ra không gian tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II rộng rãi hơn.
TS Lê Xuân Nghĩa
Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2018 vẫn đứng trước những áp lực lớn, từ bên trong lẫn bên ngoài. Xu thế bảo hộ mậu dịch xuất hiện, và đe dọa nghiêm trọng đến các hiệp định thương mại đa phương và xu thế toàn cầu hoá. Chiến tranh thương mại cũng có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ khiến cho các NĐT quốc tế tỏ ra thận trọng trong đầu tư vào các khu vực nền kinh tế mới nổi. Nhiều đồng tiền ở Đông Nam Á mất giá mạnh so với đồng USD… Trong nước, CSTT cũng chịu nhiều sức ép khá lớn từ biến động giá nông sản, đặc biệt là thực phẩm, giá một số loại dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, nước… có xu hướng tăng. Cả hai yếu tố bên trong, bên ngoài tạo ra áp lực khá rõ ràng lên chỉ số lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Song với việc điều hành thận trọng và linh hoạt của Chính phủ cũng như việc kiên định thực thi CSTT theo nguyên tắc lạm phát mục tiêu, lấy ổn định làm nền tảng của NHNN đã giúp hệ thống ngân hàng đạt được những kết quả rất tích cực. Chỉ số lạm phát bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017 thấp hơn cả mục tiêu 4% Quốc hội đặt ra. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá vững chắc. Điều hành tỷ giá rất thành công khi vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo nền tảng tăng xuất khẩu đồng thời cũng có cơ hội tăng dự trữ ngoại tệ của NHNN.
Sự phục hồi khá vững chắc của hệ thống ngân hàng đặc biệt từ những cải thiện vượt bậc về khả năng sinh lời tạo bước đột phá về nền tảng tài chính và quản trị trở thành một trong những yếu tố quyết định góp phần nâng bậc xếp hạng quốc gia của Việt Nam cũng như mang lại thành công cho chính các NHTM khi liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng bậc tín nhiệm trong năm 2018.
Việc quyết tâm theo đuổi chính sách kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát cung ứng tiền giúp NHNN đạt nhiều mục đích trong năm 2018. Mục tiêu lớn đầu tiên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giúp tái cơ cấu lại danh mục tín dụng của các NHTM; tạo điều kiện cho NHTW có thể thúc đẩy việc tăng vốn các NHTM và bãi bỏ hạn mức tín dụng đối với từng NHTM để chuyển sang cơ chế điều hành khác.
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14-15%. Đây được coi là điểm sáng nổi bật nhất trong điều hành CSTT của NHNN. Cách điều hành như hiện nay cho thấy tính chuyên nghiệp trong quản trị tiền tệ của NHNN càng ngày càng cao hơn.
Nền tảng tài chính của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực |
Còn nhiều thách thức
Đối với các NHTM năm 2019 là một năm đứng trước áp lực rất lớn về tăng vốn theo lộ trình Basel II. Thời gian qua một số NHTM đã nỗ lực tăng vốn nhưng so với lộ trình còn quá thấp. Áp lực này trong năm 2019 sẽ còn lớn hơn. Nó trở thành vừa áp lực, vừa là động lực để thúc đẩy tăng vốn các NHTM. Vì tăng vốn thì việc tăng tín dụng mới được thực thi một cách dễ dàng. Với các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ chịu sức ép kép. Đó là vừa phải nhanh chóng xử lý nợ xấu, vừa phải tăng vốn. Điều này tạo áp lực đẩy nhanh tái cấu trúc các ngân hàng này bằng biện pháp mua bán, sáp nhập, hoặc bằng cách xử lý triệt để tài sản không sinh lời để giảm nợ xấu.
Vì vậy, năm 2019 việc bán nợ xấu cho VAMC có thể sẽ không mấy quan trọng đối với NHTM tốt, nhưng vẫn còn rất quan trọng đối với các NHTM yếu kém, nhất là NHTM thuộc diện tái cơ cấu để giúp họ giảm bớt áp lực kép nói trên.
Với chính sách của NHTW về kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, kiểm soát cho vay ngoại tệ, các NHTM đứng trước một thách thức vừa ngắn hạn, vừa dài hạn. Đó là tái cơ cấu lại danh mục tín dụng có lợi cho khả năng sinh lời của họ trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Do vậy, danh mục tín dụng rủi ro cao, BĐS, chứng khoán, DN khởi nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc vay vốn… Cho nên đối với DN khởi nghiệp thì phải tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác như trái phiếu DN, quỹ đầu tư rủi ro cả trong nước và quốc tế. Tốt nhất, Chính phủ nên có quỹ đầu tư rủi ro cho các DN khởi nghiệp và Chính phủ cần phải sớm sửa Nghị định về trái phiếu DN đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
Toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng đang đứng trước sức ép lớn về giảm chi phí hoạt động nếu muốn duy trì khả năng sinh lời. Chính chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng của NHNN tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt về giảm chi phí của TCTD. Muốn như vậy các NHTM cần phải đi sâu vào số hoá để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực, giảm thiểu cơ sở vật chất liên quan đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch. Đây là điểm yếu của các NHTM Việt Nam so với các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng nào nhanh tay trong việc đổi mới công nghệ số hoá hoạt động từ đào tạo nhân lực đến quản trị thì ngân hàng đó sẽ chiến thắng.
Thách thức nữa đối với các NHTM Việt Nam trong năm 2019, đó là phải chuẩn mực hoá quản trị điều hành theo các tiêu chuẩn của OECD. Theo đó, cần phải tách rời một cách rõ ràng, minh bạch chủ sở hữu và người quản lý cũng như áp dụng chuẩn mực về quản trị rủi ro, giám sát nội bộ để tiến dần tới chuẩn quốc tế về quản trị, quản lý rủi ro và an toàn hệ thống của Basel II.
Cuối cùng vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực. Việc số hoá hệ thống đào tạo đến từng cán bộ công nhân viên để cập nhật chủ trương chính sách của NHTW, của chính ngân hàng mình một cách nhanh chóng mà người được đào tạo không cần phải rời bỏ vị trí làm việc, không tốn quá nhiều thời gian, chi phí là một nhu cầu cấp bách trong bối cảnh cần tiết giảm chi phí nói chung. Đây cũng là phương pháp phổ biến các ngân hàng ở các nước khác đã áp dụng.
Tất nhiên các ngân hàng trong năm 2019 trở đi cũng có những cơ hội lớn. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lòng tin của người gửi tiền tăng lên. Hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Đây là những môi trường huy động và cho vay thuận lợi. Môi trường cạnh tranh trong nội bộ hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế minh bạch hơn tạo điều kiện thuận lợi cho những ngân hàng nào có khả năng phát triển có thể bứt phá để đứng vững hơn trên thương trường.
Hiện nay, các NHTM đứng trước khả năng lựa chọn dễ dàng hơn từ các khu vực cho vay mà không còn chạy theo những phong trào tín dụng như trước đây. Ví dụ, cho vay vào khu vực bán lẻ, nông nghiệp, du lịch, tiêu dùng và xuất khẩu đã chứng tỏ có những lợi thế ngày càng vượt trội so với các khu vực khác. Những lĩnh vực còn lại vẫn có tiềm năng mở rộng, phát triển tín dụng lớn nhưng cần phải lựa chọn kỹ lưỡng hơn.
Tóm lại với những chính sách mới của NHNN phát đi một tín hiệu hoạt động tiền tệ vĩ mô cũng như hoạt động ngân hàng đang ngày càng đi vào bài bản và minh bạch, ổn định dài hạn. Điều này tạo ra lòng tin cho người gửi tiền cũng như các NĐT một cách lâu dài và vững chắc. Vì vậy, các NHTM nên hướng toàn bộ chiến lược hoạt động của mình sao cho tận dụng được những lợi thế của chính sách mới và khắc phục nhanh chóng những yếu kém hiện tại để tồn tại và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội tạo ra những sức bật lớn cho các ngân hàng tốt, lành mạnh nắm bắt được cơ hội để đột phá trong hoạt động kinh doanh.