Những nhà đầu tư sớm nhìn ra sự thoái lui của thị trường DVD và quyết định bỏ vốn vào "tầm nhìn" của Reed Hastings, CEO Netflix, về một tương lai tươi sáng của truyền hình trực tuyến, có lẽ là những người may mắn nhất trên thị trường chứng khoán trong thập niên 2010.
Nếu chi 1 triệu USD để mua cổ phiếu Netflix vào ngày 1/1/2010, số tiền thu về tính tới thời điểm hiện tại sẽ là 43 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận lên đến 4.181%, tính đến thời điểm chốt phiên 20/12, cổ phiếu Netflix đánh bại tất cả đối thủ trên S&P 500, dù công ty chỉ chính thức niêm yết tại đây từ ngày 20/12/2010, và soán ngôi của thời báo New York Times. Chỉ số S&P 500 cũng tăng đến 189% trong 10 năm qua.
So với giá trị khiêm tốn ban đầu, Netflix đang có giá trị thị trường gần 148 tỷ USD. Công ty vào danh sách 40 doanh nghiệp có giá trị cao nhất Mỹ.
Tốc độ tăng giá của cổ phiếu Netflix đôi khi lại khiến các nhà đầu tư có nguyện vọng mua cổ phiếu Netflix bối rối, nhất là những nhà đầu tư quan tâm nhiều đến những thước đo tài chính cơ bản như lợi nhuận và nguồn tiền mặt.
Netflix hoạt động với lợi nhuận rất thấp, có thời điểm gần như bằng 0. Dòng tiền của công ty cũng không dồi dào. Điều đó phản ảnh bản chất hoạt động của công ty khi phải bỏ rất nhiều tiền ra để mua hoặc tự sản xuất những nội dung giải trí mà khách hàng yêu thích.
Ngoài ra, sự cạnh tranh của các đối thủ "lắm tiền, nhiều của", như Apple và Disney, cũng khiến Netflix phải đầu tư nhiều hơn vào các bộ phim cũng như chương trình truyền hình để níu chân khách hàng, khiến họ "từ bỏ" ý định hủy đăng ký.
Reed Hastings, CEO của Netflix. Ảnh: Reuters.
Michael Pachter, chuyên gia phân tích đến từ Wedbush Securities, liên tục cảnh báo rằng giá trị của Netflix hoàn toàn không được đảm bảo. Ông khuyên khách hàng phải chú trọng đến tình hình đầu tư hiện tại của Netflix bởi họ đã "đốt" quá nhiều tiền cho các sản phẩm, trong bối cảnh "xu hướng đang dịch chuyển từ cạnh tranh về nội dung sang cạnh tranh về dịch vụ".
Những lời cảnh báo đó không chỉ mang tính lý thuyết đối với Netflix.
Netflix từng có lúc đứng bên bờ vực khủng hoảng, được nhắc đến với cái tên "sụp đổ Qwikster" vào năm 2011. Trong tháng 7/2011, Hastings đã gián tiếp tăng giá dịch vụ đăng ký thành viên hàng tháng bằng cách tách biệt phạm vi dịch vụ mà công ty cung cấp thành dịch vụ DVD và dịch vụ truyền hình trực tuyến. Vào tháng 9, công ty công bố kế hoạch đổi tên dịch vụ DVD thành Qwikster.
Rất nhiều khách hàng lập tức ngừng sử dụng dịch vụ của Netflix và giá cổ phiếu của công ty giảm đến 75%. Điều đó khiến công ty buộc phải quay trở lại với chiến lược kinh doanh trước đó và kêu gọi thêm 400 triệu USD vốn đầu tư khẩn cấp.
Jay Hoag, thành viên ban lãnh đạo Netflix, chính là người đã "dang tay cứu vớt" Netflix vào cuối năm 2011. Công ty Technology Crossover Ventures (TCV) của Hoag đã "bơm" 200 triệu USD vào Netflix dưới dạng trái phiếu chuyển đổi.
Cụ thể, TCV mua hơn 16 triệu cổ phiếu Netflix với giá 12,26 USD/cổ phiếu. Với giá cổ phiếu Netflix ở 336 USD/cổ phiếu, giá trị khoản đầu tư của TVC hiện khoảng 1,66 tỷ USD, dù trước đó công ty này đã bán bớt cổ phần tại Netflix vài năm sau năm 2011.
"Bạn chấp nhận đi ngược trào lưu và khi quyết định đúng, bạn sẽ nhận về kết quả ngoài sức tưởng tượng", Hoag cho biết
Nói về khoản đầu tư của TCV, Hoag chia sẻ có 4 điểm chính "chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng, nhưng trái ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường của nhiều người". Đó là:
Nhân sự: Sau khi tăng trưởng ấn tượng và "sụp đổ Qwikster", "đội ngũ quản lý, từ chỗ được coi là những con người xuất chúng, lại bị gọi là những kẻ 'ngu xuẩn và vô dụng' chỉ sau đúng một đêm", Hoag cho biết. TVC đặt cược vào Hastings, đồng sáng lập Netflix năm 1997, và "tuyên chiến" với mọi thách thức.
Dịch vụ truyền hình trực tuyến: Những công ty sản xuất phim phần lớn tập trung vào số lượt tải trong khi đó Netflix lại làm điều ngược lại, cung cấp cho người xem những gì họ mong muốn trên internet, ở bất cứ nơi đâu và trên mọi thiết bị. Sự phát triển nhanh chóng của tốc độ mạng sẽ là động lực mạnh mẽ của xu thế truyền hình trực tuyến Netflix nhắm tới.
Nhượng quyền: Các nhà sản xuất phim cho rằng Netflix sẽ không có đủ tiền để thực hiện những nội dung truyền hình trực tuyến cao cấp, nhưng Netflix lại đi theo một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Đó là nhượng quyền. Thời gian đã chứng minh họ hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ ngành công nghiệp này.
Tính quốc tế: Netflix bắt đầu cho ra mắt sản phẩm tại Canada vào cuối năm 2010, châu Mỹ Latinh vào năm 2011. Công ty cũng tấn công thị trường châu Âu vào năm 2012 và hướng tới hai thị trường tiềm năng Nhật Bản và Ấn Độ trong các năm tiếp theo.
Giá cổ phiếu Netflix tăng 4.181% trong thập niên 2010.
Hoag thừa nhận rằng, mọi việc diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với những gì mà ban lãnh đạo công ty kỳ vọng. Tại thời điểm đầu tư, nội dung gốc (nội dung do công ty tự đầu tư sản xuất) là thứ mà họ không bao giờ chú trọng vì không ai thấy được tiềm năng từ đó.
Giờ đây, nội dung gốc lại khiến mọi người có cái nhìn hoàn toàn khác.
Netflix lên kế hoạch chi 15 tỷ USD cho nội dung trong năm 2019, tăng hơn 70% so với hai năm trước đó. Giám đốc nội dung Ted Sarandos, làm việc cho công ty trong 19 năm, cho biết 85% số tiền họ bỏ ra năm ngoái là dành cho nội dung gốc.
Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư mạnh mẽ, Netflix đã vay gần 10 tỷ USD trong hai năm qua, khiến nợ của công ty tăng hơn hai lần, đồng thời, giá trị các khoản nợ hiện cũng gấp đôi giá trị tài sản công ty.
Mặt trận nội dung đắt đỏ
Sự hoài nghi bắt đầu len lỏi vào tâm trí các cổ đông. Giá cổ phiếu Netflix tăng 26% trong năm nay, kém chỉ số S&P 500 và chỉ số S&P lĩnh vực công nghệ. Disney chính thức nhảy vào cuộc đua dịch vụ truyền hình trực tuyến bằng sự ra đời của Disney+, cùng với đó là HBO Max của WarnerMedia và Peacok của NBC, không chỉ khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt, mà còn là các đối thủ sẽ hạn chế khả năng tiếp cận đa dạng các thể loại nội dung của Netflix.
Trong năm nay, NBCUniversal đã tuyên bố rút lại bản quyền của bộ phim truyền hình "The Office" từ tay Netfilx về để nhằm mục đích độc quyền, đồng thời chuyển nhượng loạt phim đình đám "Friends" cho HBO Max.
"Sẽ chẳng có một nhà sáng tạo nội dung nào lại để cho đơn vị phân phối hưởng mọi lợi ích từ sản phẩm đó cả", Pacher, Wedbush Securities cho biết. "Điều đó không tồn tại".
Pacher khuyên rằng các cổ đông nên bán cổ phần tại Netflix vì ông dự đoán cổ phiếu của Netflix sẽ giảm xuống chỉ còn 188 USD/cổ phiếu, tương đương 44%. Ông cũng đã bán tháo cổ phiếu của mình vào năm 2011, và bất kỳ ai làm theo lời khuyên của ông vào năm đó, đã tuột mất cơ hội hưởng lợi từ một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong thập kỷ. Ông gọi cổ phiếu của Netflix là "một mã hoang đường" và khẳng định công ty đốt tiền và tham gia cuộc chiến nội dung đắt đỏ cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng mạnh lên giá cổ phiếu.
Netflix từ chối bình luận về quan điểm này.
Chiến lược của Netflix trong bối cảnh thiếu đi những chương trình phổ biến là đổ nhiều tiền hơn vào các nội dung chủ chốt từ trước đến giờ, sau đó quảng bá cách rầm rộ.
"The Irishman" của Martin Scorsese, "Marriage" của Noah Maumbach và "Dolemite is My Name", được sản xuất và diễn xuất bởi Edddie Murphy, là 3 bộ phim được Netflix đầu tư sản xuất trong năm 2019, năm công ty đã nhận được rất nhiều đề cử cho giải thưởng Quả cầu Vàng.
Trong khi đó, những chương trình truyền hình như "Ozark", "The Crown", "The Kominsky Method" và "House of Cards" cũng đã giúp công ty nhận được nhiều để cử giải Emmy.
Trong khi Netflix sản xuất và nắm bản quyền một số chương trình gốc, giống như bộ phim đạt giải Emmy "Stranger Things", phần lớn nội dung trên nền tảng của hãng đều là sản phẩm được nhượng quyền. Những hợp đồng nhượng quyền có phạm vi toàn cầu, do đó, Netflix có thể đẩy mạnh dịch vụ xem truyền hình trực tuyến hàng tháng đến khách hàng tại Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Âu mà không cần phải quan tâm đến quyền bảo hộ giữa các quốc gia với nhau.
Tính đến cuối quý III, tổng lượng người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ của Netflix lên tới 158,3 triệu, cao hơn gấp hai lần so với 4 năm trước. Tốc độ tăng trưởng từ lượng khách hàng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Netflix khi số lượng khách hàng ngoài Mỹ đang chiếm trên 62% tổng lượng người dùng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 51% vào năm 2017, và 36% vào năm 2015.
"Chúng tôi đã nhìn thấy vào 10 năm trước khả năng Netflix có thể sản xuất các nội dung gốc, cũng như những sản phẩm của họ sẽ được chào đón trên quy mô toàn cầu", theo Gil Simon, giám đốc đầu tư SoMa Equity Partner, trụ sở San Francisco, bang California.
Simon luôn tin tưởng vào sự phát triển của Netflix. Ông gọi "đây là khoản đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện". Công ty hiện đầu tư 10% khối tổng tài sản khoảng 2 tỷ USD vào cổ phiếu Netflix.
"Không có gì có thể so sánh được với số lượng và sự cuồng nhiệt đến từ khối lượng khách hàng của Netflix. Đó chính là một đông lực khiến công ty luôn cố gắng mang về những nội dung mới cho nền tảng của mình", Simon cho biết.
Trong tháng 12, Netflix đã lần đầu tiên phân chia người dùng thành 4 khu vực chính. Sau Bắc Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi đứng thứ hai với tổng cộng 47,4 triệu người dùng trả phí. Theo sau đó là khu vực châu Mỹ Latinh với 29,4 triệu người dùng. Đứng cuối là khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 14,5 triệu người dùng.
Tăng trưởng người dùng trả phí của Netflix qua các năm.
Với lượng khách hàng ngày càng tăng, Netflix cũng chịu chi hơn và công ty đang dần trở thành thế lực mới tại Hollywood. Công ty cũng nhận được sự ủng hộ từ những nhân vật có tiếng trong làng giải trí, những người coi Netflix là những đối trọng lớn nhất đối với các công ty sản xuất phim điện ảnh và truyền hình.
Trong tháng 11, Scorsese đã viết một bài báo trên tờ New York Times bày tỏ nỗi buồn phiền về ngành điện ảnh, về sự thoái trào của các hình thức nhà hát tự chủ cũng như chất lượng của hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước Mỹ.
Là một đạo diễn thiên về các tình huống và nhân vật "nặng đô", Scorsese viết "đây là một thời điểm đáng buồn với ngành điện ảnh" với hình thức phân phối trực tuyến gần như là lựa chọn duy nhất cho các nhà sản xuất.
"Trong đó bao gồm cả tôi và tôi đang nói với tư cách một người vừa mới sản xuất xong một bộ phim cho Netflix", ông viết. "Netflix và chỉ có Netflix mới cho phép chúng tôi làm nên một 'The Irishman' theo cách hoàn chỉnh nhất, và tôi rất biết hơn về điều đó".
Tự chủ sáng tạo
Cindy Chupack, người viết kịch bản kiêm giám đốc sản xuất bộ phim "Sex in the City" của HBO và "Modern Family" của ABC, dành 10 năm tìm kiếm nguồn tài chính cho các bộ phim của mình. Bà chỉ thoát khỏi cảnh "chạy đôn chạy đáo" khi bắt tay hợp tác với Netflix vài năm về trước.
Bà phụ trách kịch bản cho "Otherhood" và Netflix yêu cầu bà đảm nhận thêm vai trò tuyển diễn viên. Bà đã tìm đến Angela Bassett, người sau đó giúp bà mời thêm được Patricia Arquette và Felicity Huffman. Netflix đã bật đèn xanh cho sự án phim này và cung cấp cho bà 12 triệu USD phục vụ cho công tác sản xuất. Họ đã quay bộ phim trong vòng 27 ngày tại New York và bộ phim đã được giới thiệu đến khản giả vào tháng 8.
Trong tháng 10, "Otherhood" lọt vào danh sách 10 bộ phim đáng xem nhất trên Netflix trong năm 2019, với 29 triệu lượt xem ngay trong tháng công chiếu đầu tiên. Chupack cho biết bà đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ đến từ bộ phận marketing của Netflix khi đã giúp xây dựng kế hoạch phát hành phim tại nhiều quốc gia khác nhau, dịch lời thoại ra những ngôn ngữ phổ biến, trong khi vẫn đảm nhiệm tốt vai trò truyền thông nhắm đến các đối tượng khách hàng trọng tâm.
Với những sự trợ giúp đắc lực đó, Netflix thậm chí còn không can thiệp vào nội dung cũng như quá trình sản xuất của bộ phim, Chupack chia sẻ.
"Nếu như bạn muốn làm một bộ phim theo ý tưởng của riêng bạn, họ sẽ cho bạn điều đó", bà cho biết. "Họ sẽ cho bạn quyền tự chủ sáng tạo".
Điểm hạn chế ở đây là bà sẽ không nhận được thêm sự hỗ trợ tài chính nào khác. Số tiền mà Chupack và đội ngũ sản xuất của bà nhận được là tất cả những gì họ có, cho dù bộ phim có "làm mưa, làm gió" đến đâu trên thị trường.
Một cảnh trong phim "The Irishman". Ảnh: Netflix.
Với những nhà đầu tư muốn mua vào cổ phiếu của Netflix ở thời điểm hiện tại, nguy cơ giá cổ phiếu rớt giá là hoàn toàn có thể. Với tỷ lệ P/E của cổ phiếu Netflix được dự báo cho 12 tháng tới là 61,3, công ty này là một trong số 15 công ty có giá cổ phiếu cao nhất trên sàn S&P 500, theo FactSet.
Tỷ lệ nợ, chi phí cao, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho một công ty mà giá trị thị trường chỉ bằng một nửa so với AT&T, công ty mẹ của WarnerMedia, và doanh thu cũng chỉ bằng 12%. Nhưng vì Netflix đã dành toàn bộ thập kỷ vừa qua đi ngược lại những hoài nghi của nhiều người và mang lại lợi ích không tưởng cho các nhà đầu tư, điều đó vô tình tạo ra tâm lý "sợ bỏ lỡ", mà không có một mã cổ phiếu nào khác có thể mang lại được.
Simon, SoMa Equity, cho biết bạn hãy nhìn vào tiềm năng toàn cầu để biết được Netflix có thể thu lợi như thế nào từ các hợp đồng nhượng quyền sản phẩm, và biến chi phí mà công ty đã bỏ ra thành lợi nhuận. Ông thấy Netflix đang cố gắng xen kẽ các yếu tố địa phương vào các chương trình như "The Crown" và "Narcos", nhằm thu hút thêm nhiều hơn những người đăng ký sử dụng dịch vụ.
Điều đó sẽ mất thời gian. Netflix đang lên kế hoạch giảm khoản tiền đầu tư khổng lồ vào sản xuất từ năm tới nhưng công ty cũng không công bố rằng khi nào họ sẽ khiến dòng tiền của họ trở nên "tích cực" hơn. Simon sẽ vẫn quyết tâm tiếp tục đầu tư vào Netflix.
"Netflix chỉ mới xuất hiện tại thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Âu, những thị trường lớn nơi mà công ty đang bắt đầu chiến lược khai phá của mình", Simon cho biết.
"Có rất ít đối thủ chú trọng đến các thị trường này, chưa nói đến việc họ sẽ tập trung sản xuất các nội dung dành riêng cho các quốc gia đó".