Nếu châu Âu từ bỏ khí đốt Nga, Moscow sẽ bán năng lượng cho ai?

09/04/2022 12:33
Trong thời gian tới, châu Âu sẽ cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Với tư cách là một siêu cường dầu khí, Moscow cần phải tìm thị trường mới, nhưng các lựa chọn có thể sẽ bị hạn chế.

Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên sang các thị trường toàn cầu lớn nhất trên thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 45% ngân sách của Nga vào năm 2021 đến từ nguồn thu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã trở thành khách hàng mua dầu và khí đốt lớn nhất của Nga. Đối với khí đốt tự nhiên, vai trò của châu Âu với tư cách là thị trường chính của Nga còn rõ ràng hơn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, gần 3/4 tổng lượng khí đốt tự nhiên của Nga được xuất khẩu đến các nước châu Âu vào năm 2021.

Nếu châu Âu từ bỏ khí đốt Nga, Moscow sẽ bán năng lượng cho ai? - Ảnh 1.

Tàu chở khí hóa lỏng Nikolay Urvantsev tại cảng Boilbao, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

EU đang nỗ lực nhanh chóng để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga như một phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, mức độ và khả năng các nước châu Âu như Đức và Italy có thể từ bỏ năng lượng Nga , đặc biệt là khí đốt tự nhiên, vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Mặc dù vậy, nếu kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) về việc đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga trước năm 2030 thành hiện thực, có thể Nga sẽ cần một số khách hàng mới.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là bên mua tiềm năng

Nga có thể sẽ tập trung vào việc tăng doanh số bán hàng cho các nước hiện chưa áp đặt lệnh trừng phạt Moscow, chẳng hạn như Trung Quốc. Về dầu mỏ, bên cạnh châu Âu, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga, chiếm phần lớn trong số 38% lượng dầu xuất khẩu của Moscow cho các nước trong khu vực châu Á và châu Đại Dương vào năm 2021.

Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Saudi Arabia, nhưng các chuyên gia tin rằng mục tiêu của Nga trong những năm tới là vượt qua các nước Trung Đông để trở thành nơi cung cấp dầu chính của Trung Quốc.

“Điều thú vị trong thị trường năng lượng năm nay là cách Nga cố gắng dịch chuyển các mối quan hệ thương mại lâu đời từ Trung Đông sang Đông Á”, Fernando Ferreira, nhà phân tích rủi ro địa chính trị của công ty tư vấn năng lượng Rapidan, nói.

Một mục tiêu lớn khác của Nga là tăng đáng kể khối lượng dầu bán cho Ấn Độ. Quốc gia 1,38 tỷ dân này là nơi tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới, phần lớn trong số đó là nhập khẩu.

Iraq, Saudi Arabia và UAE là những nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ vào năm 2021, trong khi Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của New Delhi. Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu thay đổi. Trong tháng 3, lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng lên đáng kể.

Trong khi nhiều quốc gia phương Tây có ý định ngừng nhập khẩu dầu Nga, nhiều nhà máy lọc dầu Ấn Độ hy vọng có thể mua loại năng lượng này với giá chiết khấu cao.

Margarita Balmaceda, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Davis về Nga và Á – Âu thuộc Đại học Harvard, cho rằng hai nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ gần đây đã mua một lượng lớn dầu thô Sokol của Nga, đến từ đảo Sakhalin.

DW nhận định rằng vẫn có những nghi ngờ về mức độ và khả năng mà các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ có thể thay thế nhu cầu của châu Âu về dầu và khí đốt từ Nga.

Chuyên gia Ferreira nói rằng các mối quan hệ thương mại liên quan đến dầu mỏ giữa các nước Trung Đông và các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã mất nhiều thập kỷ để vun đắp. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và Ấn Độ đều sẽ thận trọng trong việc chấm dứt hoàn toàn với dầu và khí đốt của các nước Trung Quốc và quay sang ủng hộ Nga”, ông Ferreira nói.

Ông Ferreira dự đoán còn một vấn đề khác là các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tác động như thế nào đến năng lực mua thiết bị và công nghệ cần thiết cho sản xuất dầu của Nga. “Nga sẽ khó giữ được mức cung cấp nếu không có khả năng tiếp cận các công nghệ của phương Tây”, ông Ferreira cho hay.

Nga không dễ chuyển đổi thị trường

Nga sẽ dễ dàng tìm được thị trường mới cho dầu mỏ hơn là khí đốt. Trong khi Nga có thể chuyển dầu sang các thị trường mới tương đối dễ dàng, việc vận chuyển khí đốt tự nhiên qua các đường ống là điều không dễ dàng và năng lực sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vẫn hạn chế so với một số nước khác.

Nếu Nga muốn thay thế thị trường khí đốt của châu Âu, hy vọng lớn nhất của họ là Trung Quốc . Vào tháng 2, Nga và Trung Quốc đã công bố một hợp đồng 30 năm để Moscow cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh thông qua một đường ống mới.

Nga cũng đã thiết lập quan hệ chặt chẽ về khí đốt với Pakistan. Nga đã đồng ý xây dựng Pakistan Stream, một đường ống trị giá 2 tỷ USD, sẽ vận chuyển LNG từ thành phố cảng phía Nam Karachi đến phía Bắc của quốc gia Nam Á này.

“Thực tế là những dự án này cần nguồn lực tài chính lớn, và nếu không có tài chính, chúng sẽ không thành hiện thực”, bà Balmaceda nói.

Bà Balmaceda nói thêm rằng, về lý thuyết, Nga có thể xây dựng cơ sở hạ tầng mới để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hoặc Ấn Độ trong tương lai, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi sự “đầu tư lớn”, điều dường như không thực tế đối với triển vọng kinh tế của Nga.

Ông Ferreira cho rằng lựa chọn thực tế duy nhất của Nga đối với khí đốt ở châu Á sẽ là thông qua các đường ống hiện có hoặc đường ống mới giữa Trung Quốc và Tây Siberia. “Điều này sẽ mất một khoảng thời gian. Vì vậy, không có giải pháp ngắn hạn cho nơi tiêu thụ khí đốt của Nga”, ông Ferreira nói.

Theo nhà phân tích Ferreira, hậu quả lâu dài của việc không tìm được bên mua dầu và khí đốt là Nga sẽ không còn là một “người chơi lớn” trên thị trường năng lượng toàn cầu.

“Nga chỉ đơn giản là sẽ không duy trì được vị thế cường quốc năng lượng như hiện tại, không phải vì họ không có tài nguyên, mà đơn giản vì họ không có thị trường để bán”, ông Ferreira lưu ý.

Chuyên gia Balmaceda cho rằng năng lượng của Nga có thể được chấp nhận trở lại trên thị trường châu Âu trừ khi có một liên minh đủ mạnh gồm các nhóm chống lại năng lượng Nga, chẳng hạn như các nhà sản xuất than, các nhóm năng lượng tái tạo hoặc nhà sản xuất LNG, có thể thuyết phục các nhà hoạch định chính sách từ bỏ năng lượng Nga.

Bà Balmaceda lưu ý rằng đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy một số quốc gia Trung Đông và Đông Âu như Hungary và Serbia sẵn sàng mua khí đốt của Nga trong tương lai.

Năm 2021, Hungary đã ký một thỏa thuận với Nga đồng ý nhận khí đốt của Moscow thông qua các đường ống đi qua Ukraine, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen. Hôm 6/4, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng nước này sẵn sàng tuân theo yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp./.

Tin mới

Giá vàng giảm mạnh, cửa hàng nhanh chóng nới 'quota' bán
9 giờ trước
Sáng 19/4, ngay khi giá vàng liên tục giảm mạnh, các cửa hàng ở Hà Nội đã tăng lượng bán cho người mua, nhiều hơn hẳn những ngày trước đó.
Làm 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm rồi bán cho người dân
8 giờ trước
Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận đã bán 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được bán cho người dân sử dụng.
Samsung khởi động sân chơi sáng tạo nội dung số tôn vinh du lịch Việt Nam, giải thưởng lên đến 300 triệu đồng
8 giờ trước
Cuộc thi sáng tạo nội dung “Galaxy AI Hiểu Tiếng Việt, Tôn Vinh Du Lịch Việt” sẽ diễn ra từ ngày 18/4 đến ngày 18/5 dành cho mọi công dân Việt Nam.
3 tiếng, giá vàng 'bốc hơi' 5 triệu đồng/lượng
7 giờ trước
Giá vàng trong nước chưa ngừng sụt giảm mạnh, giá vàng miếng không chỉ mất kỷ lục 120 triệu đồng mà hiện chỉ còn 115 triệu đồng/lượng.
Hàng chục nghìn tấn 'hạt vàng' của Việt Nam đổ bộ Mỹ với giá cực đắt, thuế nhập khẩu 0%
7 giờ trước
Giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 73% so với cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục

247BPO & TECHCOMBANK: Hợp tác triển khai dịch vụ đổi ngoại tệ trực tuyến
10 giờ trước
Ngày 16/04/2025, tại Hà Nội, lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH 247BPO và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã chính thức diễn ra, mở ra bước ngoặt quan trọng trong hành trình tích hợp dịch vụ tài chính vào hệ sinh thái công nghệ du lịch.
Từng hạn chế hàng ngoại, người Nhật Bản quay xe dùng một mặt hàng từ Mỹ dù giá đắt đỏ, nguồn cung trong nước liên tục thiếu hụt
1 ngày trước
Dù phải chịu thuế nhập khẩu tuy nhiên mặt hàng này từ Mỹ về Nhật Bản vẫn rẻ hơn mức giá tại thị trường nội địa.
Đặt cược vào Việt Nam, một mặt hàng điện tử cả thế giới khao khát đã "nhảy múa" thoát thuế quan như nào?
1 ngày trước
Trong những ngày đầu tháng 4, 90% số lượng thiết bị xuất sang Mỹ đều đến từ Việt Nam.
Bất chấp Mỹ siết thuế, người tiêu dùng toàn cầu vẫn 'đổ xô' mua xe điện
2 ngày trước
Doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 29% trong tháng 3, chủ yếu đến từ Trung Quốc và châu Âu.