Chuyên gia cho rằng, cần dám chơi và biết chơi nếu Việt Nam muốn có một trung tâm tài chính quốc tế thu hút dòng vốn tỷ đô.
Nơi hút vốn tỷ USD
“Gần 20 năm gắn bó với đề án. Thú thật, vừa rồi tôi ăn Tết bằng bộ hồ sơ, tài liệu nặng khoảng 10kg liên quan đến Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam”, TS.Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nói.
Là người đã theo đuổi dự án trong 6 năm qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) thông tin, nếu đề án được thông qua, các tập đoàn lớn của Nhật Bản, EU, Úc ngay lập tức đầu tư. Riêng các nhà đầu tư của Hoa Kỳ có văn bản cam kết rót ngay 10 tỷ USD khi việc xây dựng trung tâm tài chính được cấp có thẩm quyền thông qua. Trong đó, 4 tỷ USD cho trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; 6 tỷ USD cho trung tâm tại TP.HCM.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định, các nhà đầu tư đã cam kết hàng tỷ USD khi đề án trung tâm tài chính quốc tế được thông qua |
Theo ông, trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực và trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đang quyết liệt chạy đua và mời gọi nhà đầu tư. Để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội thì chính sách trong nước cần sự đột phá và nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành để hình thành trung tâm.
Chủ tịch Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) - ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định, đây là trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam được đặt tại TP.HCM. Trong đề án này, trung tâm trở thành nơi thu hút các dòng vốn của các tập đoàn tài chính, của các DN và thậm chí nếu làm tốt có thể thu hút dòng vốn của cả các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tư nhân. Vốn là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là vốn vào thì hấp thụ ra sao, đưa tiền vào những lĩnh vực nào và cần làm gì cho dòng vốn chảy vào lĩnh vực mà chúng ta mong đợi, chảy vào đúng tọa độ để kích hoạt phát triển kinh tế quốc gia.
Dám chơi và biết chơi
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế TP.HCM lo lắng về cơ chế và chính sách, làm sao để có cơ chế thu hút được các “đại bàng”. Làm sao để nguồn vốn chạy vào Việt Nam bên cạnh các địa chỉ đã nổi tiếng như Hong Kong, Thượng Hải, Thâm Quyến, Kuala Lumpur, Singapore.
Giải đáp vấn đề trên, tại Tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chỉ ra 5 điểm chính cần tiếp cận để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Một, cần thể chế đột phá vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Nhà đầu tư phải thấy được bên cạnh lợi thế, đặc điểm riêng của mỗi quốc gia thì Việt Nam là một điểm đến mà họ sẽ lựa chọn.
Hai, mô hình trung tâm tài chính cần phải mới chứ không thể theo cách truyền thống.
Ba, lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có chất lượng chứ không phải chỉ dựa trên khía cạnh nhiều tiền là đủ.
Bốn, ban soạn thảo đề án cần kết hợp giữa nước ngoài và trong nước. Vừa có tư tưởng tài chính, kinh tế, tiền tệ thế giới nhưng gắn với khung pháp lý chặt chẽ trong nước.
Năm, đề án phải ra được văn bản pháp lý để triển khai ngay, làm luôn chứ không thể tốn thời gian nghiên cứu mất thêm 6 tháng hay 1 năm nữa..
Lãnh đạo TP.HCM tại một sự kiện kết nối doanh nghiệp (ảnh: Trần Chung) |
“Những ý tưởng như sân bay Long Thành, các đặc khu hay đường sắt tốc độ cao, chúng ta đều tốn thời gian khoảng hơn 20 năm nhưng chưa thực sự được như kỳ vọng. Mô hình trung tâm tài chính cũng là ý tưởng bắt nguồn từ những năm 2000. Dẫu vậy, cuộc chơi giờ đã khác rất nhiều, cần dám chơi và biết chơi bởi nếu không nhanh thì 3 năm, 5 năm sau sẽ không tạo được đột phá gì nữa”, TS.Thành nêu quan điểm
Phân tích kỹ về tính khả thi của đề án, TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ ra, cần thống nhất về hình hài của trung tâm tài chính quốc tế. Bởi, có người thì cho rằng đó là một trung tâm, một tòa nhà tài chính kiểu Bitexco Financial Tower hay kiểu Phố Wall (New York). Hay liệu đây là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch hoặc tổ hợp của cả những ý tưởng trên.
Ngoài ra, giao dịch số, tài chính số, tài chính điện tử, đó là xu hướng của 5 năm tới, 10 năm tới thậm chí lâu dài. Rồi việc sử dụng tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa chứ không phải tiền giấy như chúng ta vẫn mường tượng lâu nay. Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi như vậy để có một trung tâm tài chính hợp thời, bắt kịp xu hướng thế giới.
Cùng với đó, hạ tầng tài chính như hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia, báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu và thông tin... cũng rất quan trọng.
“Trung tâm tài chính quốc tế lấy gì làm trụ cột chính? Khối ngân hàng, khối fintech hay khối quỹ đầu tư? Đặc biệt, trung tâm tài chính tại TP.HCM có gì khác biệt so với trung tâm tài chính tại Đà Nẵng, nếu không chính nội bộ chúng ta sẽ ‘đá’ lẫn nhau”, ông Lực đặt vấn đề.
Trần Chung