Tại chương trình Money Talk – Tự do tài chính số 16, chủ đề "Mission I’m Possible: Nhiệm vụ rất khả thi", bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản khối trong nước, Công ty Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) đã "mách nước" về cách giải quyết và quản lý những khoản "nợ xấu" của cá nhân.
Trả lời câu hỏi của Host Ngọc Trinh về việc những người tài chính không ổn định, sống phụ thuộc, lại có rất nhiều nợ không thể chi trả nên hành động thế nào, bà Hạnh cho biết, mấu chốt của vấn đề là cần phải thoát nợ và có thu nhập.
Đối với trường hợp kể trên, những người "mắc nợ" nên dùng đến các mối quan hệ xã hội để vay mượn. Điều này nhằm tạo ra một khoảng thời gian để có thể tìm công việc tái tạo lại thu nhập, từ đó mới có thể làm lại từ đầu.
Chuyên gia cũng đã đưa ra 3 cụm từ khóa về quản lý những khoản nợ là "xử lý nợ", "càng sớm càng tốt", "ưu tiên trả nợ lãi suất cao và người lạ"
Cụ thể, những người đang đi vay phải ưu tiên xử lý nợ trước tiên, có thể chưa trả được ngay nhưng cần phải bắt đầu tính việc trả nợ. Đồng thời, người mượn nợ phải thu xếp trả càng sớm càng tốt. Bởi vì nợ để càng lâu "lãi mẹ đẻ lãi con". Nó chẳng những làm mất đi các tài sản tích lũy mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần của người đi vay.
"Lãi kép mạnh như thế nào thì nợ kép cũng y như vậy", chuyên gia nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xử lý nợ càng sớm càng tốt.
Về thứ tự trả nợ, người đang vay nợ nên ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao trước và những người lạ trước.
Đối với việc có nên đầu tư để trả nợ, điều này sẽ tùy hoàn cảnh và phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn như: 1) Khoản đầu tư có trùng với thời gian trả nợ hay không? 2) Dòng tiền có đủ tài trợ cho việc trả nợ không? 3) Tỷ suất sinh lời từ khoản đầu tư có cao hơn lãi vay hay không?
Ví dụ như việc không nên dùng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Hoặc là trong trường hợp tín nhiệm của người đi vay cao, ngân hàng có thể cho vay vốn với lãi suất 5-6%. Đồng thời, nếu các cá nhân đã mượn nợ đã tìm được một khoản đầu tư có tăng trưởng 7-8%, điều này vẫn có thể xem là đang "tích tiểu thành đại".
Về vấn đề có nên vay nợ để trả nợ, bà Hạnh cho biết, đây là một hình thức rất phổ biến với cả cá nhân và doanh nghiệp ở nước ngoài. Việc này còn được gọi là tái cấu trúc nợ (re-financing). Cụ thể, khi lãi suất giảm xuống, người đi vay có thể vay những khoản lãi suất thấp để trả cho những khoản lãi suất cao đã vay trước đây.
Thông thường, nhiều người sẽ nhìn nợ với ánh nhìn cứ nợ là xấu. Tuy nhiên, theo chuyên gia, nợ có cả "nợ xấu" và "nợ tốt". Cụ thể, "nợ xấu" là nợ làm cho sức khỏe tài chính giảm đi, không tạo ra thu nhập. Nợ tốt là những khoản làm cải thiện tình hình tài chính, tạo ra dòng tiền gia tăng thu nhập.
Một số ví dụ về nợ tốt có thể kể đến như đầu tư vào giáo dục, sức khỏe, đầu tư vào những thứ tạo ra khả năng tăng thu nhập.