Chanh leo của Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), bên lề chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tới Mỹ, mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-MT Hoàng Trung đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jason Hafemeister.
Bộ NN-MT đang khẩn trương hoàn tất báo cáo đánh giá nguy cơ (PRA) và các thủ tục khác theo luật định để quýt, mận, chanh không hạt từ Mỹ có thể vào thị trường Việt Nam trong năm 2025.
Bộ NN-MT cũng đã hoàn tất đánh giá và cấp phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho toàn bộ các hồ sơ sự kiện biến đổi di truyền. Trong tinh thần hợp tác song phương, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị phía Mỹ nhanh chóng xem xét "mở cửa" thị trường cho chanh leo của Việt Nam .
Chanh leo của nước ta đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới dưới dạng quả tươi, đông lạnh và nước ép. Với diện tích hơn 12.000 ha chanh leo, sản lượng 200.000 tấn/năm, tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới .
Chúng ta cũng nằm trong top các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại quả này đạt hơn 222 triệu USD. Các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm chế biến dịch chanh leo cấp đông.
Nếu được vào Mỹ, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu chanh leo mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Nếu được "mở đường", đây sẽ trái cây tiếp theo cùng với dừa tươi cạo vỏ, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi được đón nhận tại Mỹ.
Con đường xuất chanh leo cũng như nhiều loại trái cây chủ lực của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” ra thế giới qua các nỗ lực đàm phán không ngừng với các đối tác thương mại.
Trước khi đàm phán xuất khẩu chanh leo qua Mỹ, Việt Nam cũng đàm phán xuất loại quả này thành công qua thị trường Australia hồi tháng 8/2024.
Khi đó, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long.
Hồi giữa năm 2022, chanh leo Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất.
Cơ hội rộng mở cho trái cây Việt Nam
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 8 tỷ USD, tăng gần 900 triệu USD so với con số kỷ lục 7,12 tỷ USD năm 2024.
Các chuyên gia cũng dự báo, với những nỗ lực không ngừng, ngành rau quả Việt Nam có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm trong thời điểm năm 2030, sánh ngang với ngành thủy sản hiện nay.
Để đạt mục tiêu trên, có 14 loại cây ăn quả chủ lực được chọn để tập trung phát triển thời gian tới. Đó là: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ và na.
Bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ cùng với thanh long, nhãn, chôm chôm...
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vốn được biết đến là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam. Sau đó là các quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan...
Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 8 triệu tấn trái cây các loại, trị giá 17 tỷ USD. Trong số các nước xuất khẩu rau quả nhiều nhất vào Trung Quốc, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Thái Lan và Canada.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan , lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng là thị trường đầy tiềm năng của trái cây Việt. Quốc gia này tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây mỗi năm, tuy nhiên, sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại phụ thuộc vào trái cây nhập khẩu.
Là một trong những thị trường quan trọng mà Việt Nam hướng đến, xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt gần 258 triệu USD vào năm 2023, chiếm 4,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.