Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao?

29/05/2018 17:20
Góp ý cho Dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đặt câu hỏi: Luật quy định là các công ty nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu họ không làm mà vẫn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì sẽ xử lý ra sao?

Không khả thi, gia tăng chi phí doanh nghiệp và hạn chế người dân tiếp cận thông tin

Dự Luật An ninh mạng đang được bàn thảo và sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ nghi ngại với dự luật này.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho biết khoản 2 Điều 26 quy định các tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam là hữu ích nếu thực hiện được. Bởi việc này sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam trong việc ngăn chặn những thông tin xấu, độc, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị.

Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao? - Ảnh 1.

Đại biểu Cao Đình Thưởng

Tuy nhiên, ông Thưởng đặt câu hỏi, nếu các doanh nghiệp như Google, Facebook không thực hiện, giải pháp sẽ là gì? Liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam không?

Do đó, đại biểu Phú Thọ cho rằng cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn, mối quan hệ, các cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ (Thanh Hoá) nhận xét quy định này là khó khả thi, không phù hợp với thực tiễn và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

"Hiện nay các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới trong đó có nước ta", bà nói.

Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao? - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ

Tương tự đại biểu Thưởng, bà Thuỷ cũng đặt vấn đề nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định thì sẽ như thế nào. Trường hợp xấu nhất, tức là các doanh nghiệp này sẽ không được phép cung cấp dịch vụ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

"Nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân", bà Thuỷ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quy định này nếu đi vào hiệu lực, có thể vi phạm các cam kết quốc tế, theo đại biểu này. Bởi, trong cam kết của tổ chức thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới và dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của Việt Nam.

Cam kết trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

Nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nhận xét phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đang quá rộng, đặt ra nhiều quy định có thể không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh. Trong khi đó, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.

Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn

Theo ông, điều này được thể hiện tại Điều 17 của dự thảo luật, quy định về các hành vi vi phạm trong mạng, bao gồm cả kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng,...

"Như vậy, dự thảo luật đã điều chỉnh các vấn đề về trật tự an toàn hoặc các vấn đề về kinh tế, dân sự mà không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thu hẹp phạm vi điều chỉnh lại", ông nói.

Trong khi đó, theo ông, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, vốn là tiêu chí, khái niệm trọng tâm nhằm xác lập đối tượng điều chỉnh và chịu tác động của Luật thì lại chưa được làm rõ và chưa có danh mục cụ thể đi kèm.

Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc các quy định về thẩm quyền, thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng liên quan đến các tổ chức là doanh nghiệp.

Ông cho biết tại Điều 24, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được trao quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo đó, dẫn chiếu đến điểm c khoản 3 Điều 12 cho thấy đối tượng bị kiểm tra, đánh giá bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin.

Ông Tuấn nhấn mạnh quy định như trên có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp.

"Vì vậy, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ ứng dụng của doanh nghiệp đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà không có lựa chọn nào khác", ông nói và nhấn mạnh nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân, doanh nghiệp là rất cao nếu điều khoản này được áp dụng vào trong thực tế.

Khoản 3 Điều 39 của Dự thảo Luật cũng khiến đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại "vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân".

Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao? - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn

Cụ thể, điều khoản này yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp thiết bị số, ứng dụng mạng để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Sơn cho rằng quy định như thế là chưa rõ. Theo đó, ông đề nghị phải nói rõ ai có thẩm quyền làm việc này.

"Rõ ràng là có nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, nên cần phải quy định rõ ràng hơn trong trường hợp này", ông nói.

Điểm c, khoản 2, Điều 26 ông Sơn cũng cho rằng chưa hợp lý. Điều khoản này yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với lý do người dùng đăng tải trên không gian mạng các nội dung tuyên truyền, chống phá nhà nước, kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh v.v...

"Nhưng cũng cần phải quy định rõ là cơ quan nào, người nào có thẩm quyền và những trường hợp cụ thể nào thì được ngừng, tránh tình trạng trong quá trình áp dụng luật sẽ bị áp dụng một cách tùy tiện, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, cho cá nhân", ông nhấn mạnh.

Ý kiến của ông Nguyễn Bá Sơn nhận được sự ủng hộ của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).  

Nếu Facebook, Google không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sao? - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

"Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin", ông nói.

Ông Hiếu cũng lưu ý dự Luật An ninh mạng vốn là luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, ông nhận định cần hết sức thận trọng.

Theo đó, cần tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới, như Indonesia vừa ra một điều luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017, ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay chính người ta đang chuẩn bị sửa chữa, bổ sung cho thời gian trước mắt

Tin mới

Cận cảnh siêu phẩm sedan cỡ nhỏ: Trang bị cửa sổ trời cùng loạt tính năng hiện đại, ăn 3,88 lít xăng/100 km
8 giờ trước
Chiếc sedan đến từ thương hiệu Nhật Bản có khả năng tiết kiệm nhiên liệu ấn tượng khi chỉ hết 3,88 lít/100 km.
Xuất khẩu thủy sản trên đà phục hồi hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
5 giờ trước
10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của nước ta tăng 28% so với cùng kỳ năm ngóai, khả năng cao sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Thái Lan có động thái mới vụ 7 tấn nho Shine Muscat nghi nhiễm độc
5 giờ trước
Nước này triển khai quy trình nghiêm ngặt trước thông tin trên.
Một mẫu iPhone đang giảm hơn 13 triệu, giá bán chỉ từ 8 triệu đồng
6 giờ trước
Hiện tại, mẫu iPhone này đang được bán tại nhiều đại lý với mức giá cực rẻ.
"Vua doanh số" của Xiaomi, bán chạy hơn S24 Ultra: Màn hình mượt hơn iPhone 16, giá chưa đến 3 triệu
6 giờ trước
Đâu là lý do khiến mẫu điện thoại giá rẻ này có sức hút lớn như vậy?

Tin cùng chuyên mục

Điều chưa từng thấy trong 4 năm vừa xảy ra với Toyota, 1/5 lợi nhuận 'bốc hơi'
7 giờ trước
Do vướng mắc các vấn đề về giấy phép, Toyota đã không thể duy trì sản lượng xe sản xuất ra - điều chưa từng thấy trong 4 năm.
Apple cảnh báo một thói quen cực kỳ nguy hiểm của người dùng iPhone, ai cũng đang mắc phải!
8 giờ trước
Apple đã đưa ra lời cảnh báo người dùng iPhone về thói quen “nguy hiểm” mà hàng triệu người không biết.
Xe ga cao cấp của Honda bất ngờ giảm đậm 10 triệu đồng
8 giờ trước
Đây là giá bán thấp nhất của Honda Stylo kể từ khi gia nhập thị trường Việt.
Mazda CX-5 thế hệ mới chính thức được xác nhận: Hãng khẳng định ‘bớt phức tạp’ hơn, sẽ dùng động cơ hybrid
9 giờ trước
Mazda đã chính thức xác nhận sự tồn tại của thế hệ CX-5 kế tiếp và tùy chọn động cơ SkyActiv-Z mới.