Trước hết, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cựu sinh viên của trường Đại học Kinh tế quốc dân. Khi nói về các động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay đã khẳng định: tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực còn rất nhiều dư địa để khai thác. Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thể chế” vẫn sẽ là lĩnh vực cần phải tiếp tục đổi mới nhiều mặt trong giai đoạn tới".
Bên cạnh đó, GS.TS Trần Thọ Đạt cũng cho rằng, với một kinh tế có độ mở lớn như Việt nam, FDI đang trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD.
Giáo sư Trần Thọ Đạt đánh giá: "Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18-25% trong giai đoạn 1991-2018. FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thế và lực của Việt Nam trên thế giới".
Để cạnh tranh với các quốc gia trong và ngoài khu vực, chuyên gia này đưa ra nhận định: "Trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động và quản trị tốt hơn, lương cao hơn, chất lượng cao hơn. Đồng thời năng lực cạnh tranh và sức lan tỏa của FDI với doanh nghiệp trong nước càng cao hơn, cần phải liên kết được hai khối này".
Thế hệ mới của FDI cần ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, lao động chất lượng cao, tập trung vào nghiên cứu phát triển, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia "xây tổ", chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn đầu tư.
"Chúng ta phả hướng tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế đều được hưởng lợi. Đồng thời cần có chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước" - giáo sư cho biết.
Tuy nhiên, giáo sư cũng nhấn mạnh rằng, không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua các khía cạnh quan trọng khác của phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề môi trường. Mục tiêu của chúng ta là tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng phải bao trùm, không để ai bị tụt lại phía sau và thế hệ này phải có trách nhiệm với thế hệ sau.
Trong quá trình trao đổi mục tiêu tăng trưởng cao, không ít nước chậm phát triển và đang phát triển, thậm chí một số nước phát triển đã phải trả giá về suy thoái và ô nhiễm môi trường trong quá trình tăng trưởng nhanh. Thậm chí có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tính đủ thiệt hại về tác động môi trường thì nhiều quá trình, nhiều giai đoạn tăng trưởng kinh tế và nhiều dự án kinh tế có lợi ích kinh tế bằng không, đôi khi còn là con số âm.
Ở Việt Nam, đã có nhiều bài học và ví dụ về các dự án gây hủy hoại nghiêm trọng về môi trường. Hiện tại thì hành lang pháp lý, các luật định về vấn đề bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ, vấn đề là chế tài thực thi pháp luật ra sao.