Sáng 13/5, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức “Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu”.
Tại hội nghị, đại diện một số công ty đề cập đến Công văn 858 của Tổng cục Hải quan có hiệu lực từ tháng 3/2019 báo cáo quyết toán cho vật tư tiêu hao và công cụ, dụng cụ, nhưng lại gây khó khăn, vướng mắc khi mỗi doanh nghiệp có cách hiểu khác nhau vì không có định nghĩa rõ ràng.
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, Thông tư của Bộ Tài chính đã quy định rõ, đối với nguyên liệu, vật tư sử dụng trong quá trình sản xuất thì doanh nghiệp phải xây dựng định mức, còn đối với vật tư tiêu hao không xác định định mức cụ thể thì doanh nghiệp phải theo dõi mức sử dụng theo nguyên tắc tồn kho cuối kỳ. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ ghi nhận ý kiến doanh nghiệp và có hướng dẫn cụ thể.
Nghe trả lời của ông Tuấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải nói khi nào giải quyết triệt để, không nói chung chung được. Ông Huệ yêu cầu hết tháng 5, nếu chưa giải quyết được thì gửi thẳng văn bản lên Thủ tướng. Ông cũng lưu ý không để chuyện rất nhỏ này gây ra vướng mắc cho doanh nghiệp, vì nhỏ với cơ quan quản lý nhưng lại là vấn đề lớn của doanh nghiệp.
“Nếu khó quá thì thuê Phó Thủ tướng xuống, tôi làm cho. Tôi cũng biết chút về kế toán”, Phó Thủ tướng nói vui và đề nghị giải quyết ngay vướng mắc cho DN, có quy định hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành.
“Thủ tục, mặt hàng nhập khẩu nào không hợp lý thì cắt giảm, nhưng thủ tục, mặt hàng nhập khẩu không đáng cắt mà lại cắt, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà không hợp lý, phải rà lại. Không thể mở toang cửa quốc gia được”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cảnh báo, nếu cắt giảm máy móc thì dễ bị các “nhóm lợi ích” vận động. “Quan điểm của Chính phủ là vừa tạo thuận lợi thương mại đến nơi đến chốn, cắt giảm triệt để vòi vĩnh, sách nhiễu nhưng chống gian lận thương mại cũng phải quan tâm. Phải tăng cường giám sát, nếu có sơ hở thì bộ trưởng, người đứng đầu bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.