Thẻ ATM dạng từ vẫn có hiệu lực sau 31/12
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 41 năm 2018 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó nêu rõ lộ trình chuyển đổi sang công nghệ chip đối với các thẻ từ nội địa và thiết bị chấp nhận thẻ đang hoạt động tại Việt Nam.
Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ trong thực hiện lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa đang lưu hành và dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31/3/2021.
Thông tin về việc đổi thẻ ATM dạng từ sang thẻ ATM gắn chip đang nhận được sự quan tâm lớm.
Sau khi có thông tin thẻ ATM từ có thể bị vô hiệu sau 31/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ ATM gắn chip nội địa.
Cơ quan này cho biết, Thông tư 19 và thông tư số 41 chỉ yêu cầu dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31/3 năm nay nhưng "không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng)".
Những khách hàng có thẻ từ nội địa (thẻ còn đang thời hạn sử dụng) nhưng chưa được các tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi sang thẻ chip hoặc do khách hàng chưa đến được địa điểm của tổ chức phát hành thẻ để thực hiện chuyển đổi hoặc nhận thẻ chip thì sau ngày 31/12/2021 vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh Internet (Internet Banking), di động (Mobile Banking), quầy giao dịch theo đúng quy định pháp luật.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đảm bảo giao dịch của chủ thẻ từ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ.
Các tổ chức thanh toán thẻ có trách nhiệm trong thực hiện lộ trình chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.
Nguyên tắc vàng sử dụng thẻ ATM dạng từ an toàn trước khi đổi sang thẻ chip
Bảo mật mã PIN, thông tin thẻ
Đối với mỗi thẻ ATM khi phát hành, các ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng thay đổi mã PIN và bảo mật tối đa nhằm hạn chế những rủi ro có thể gặp phải. Hãy nhớ luôn che bàn phím khi nhập mã PIN mỗi lần thực hiện giao dịch tại cây ATM. Đồng thời không nên đặt mã PIN là những con số có liên quan mật thiết tới chủ thẻ.
Khi thanh toán thẻ, không được để thu ngân, người xung quanh chụp hoặc ghi lại thông tin trên thẻ ATM của bạn; như số thẻ, ngày hết hạn.
Khóa thẻ ngay khi nghi ngờ bị lộ thông tin
Ngay khi mất thẻ hoặc nghi ngờ cây ATM vừa giao dịch bị gắn thiết bị theo dõi, bạn cần lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản. Nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ mở/khóa thẻ trên ứng dụng Mobile Banking hoặc Internet Banking, để đảm bảo an toàn mùa dịch.
Nắm thông tin báo dư tự động
Người dùng nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời, chủ động phát hiện giao dịch bất thường. Với một khoản chi phí nhỏ hàng tháng, bạn được cập nhật liên tục thông tin giao dịch, số dư tài khoản,... Và nhân bội phần yên tâm về nguồn tài chính điện tử của mình.
Sử dụng thẻ chip thay cho thẻ từ
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cân nhắc tiện ích, tính năng ưu việt, an toàn của thẻ chip nội địa và rủi ro liên quan đến việc tiếp tục sử dụng thẻ từ nội địa, ưu tiên chuyển sang thẻ chip như khuyến cáo của ngân hàng.
Thẻ chip được thiết kế để ngăn chặn những hành vi đánh cắp thông tin thẻ, mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Chuyển đổi thẻ ATM từ sang thẻ chip giúp hạn chế nguy cơ sao chép, đánh cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả rút tiền tại ATM như hiện nay.