Vấn đề độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, chênh lệch giá vàng giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới liên tục ở mức cao... cũng vừa làm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua khi nhiều đại biểu thay nhau chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Nội dung chất vấn cũng thu hút dư luận bởi đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được cơ quan quản lý giải thích rõ ràng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV bên hành lang Quốc hội, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nhận định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cho thấy thị trường vàng trong nước không tương đồng với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, vận hành theo cơ chế thị trường.
"Vàng chỉ là phương tiện cất trữ, việc người dân mua rất nhiều vàng cũng chỉ "chôn" tiền; không đầu tư cho sản xuất kinh doanh sẽ không tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp, phải hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng – đấy là chủ trương đúng", GS. TS. Hoàng Văn Cường nói và cho biết, có những giai đoạn chúng ta thả nổi thị trường vàng dẫn đến chuyện "vàng hoá", "đô la hóa" trong khi nguồn lực kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp.
Theo ông Cường, khi chúng ta quản lý chặt chẽ thị trường vàng, người dân cũng ít tích trữ vàng hơn và lấy tiền đó để đầu tư ngân hàng hay các lĩnh vực khác.
“Trong bối cảnh khá ổn định như hiện nay thì gửi ngân hàng cũng có lợi nhuận trong khi tích trữ vàng chưa chắc mang lại lợi nhuận, trừ những thời kỳ biến động như vừa qua”, ông Cường cho hay.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu.
“Đây là vấn đề cần tính đến, vì mặc dù quản lý độc quyền nhưng cũng phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động vào thị trường, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác, có như vậy thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Khi được hỏi hiện vàng có phải kênh trú ẩn an toàn không, GS. TS. Hoàng Văn Cường cho biết, đầu tư vàng là bài toán khá nhạy cảm, đòi hỏi người đầu tư phải tính toán chuyên nghiệp.
"Mặc dù vàng là phương tiện tích trữ, nếu có vàng để đấy không bao giờ mất, nhưng nếu bỏ tiền để đầu tư, kiếm lời trên vàng thì rủi ro rất lớn, nhất là với nhà đầu tư không đủ khả năng đánh giá, nhận định và có những phản ứng kịp thời vì rất khó biết được diễn biến giá vàng lên xuống của giá vàng như thế nào”, đại biểu Hoàng Văn Cường thông tin, đồng thời cho rằng “Những người bỏ tiền ra đầu tư kiếm lời trên giá vàng trong thời điểm này phải là những người biết tính toán chuyên nghiệp”.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thời gian vừa qua, do những "cú sốc" về dịch bệnh COVID-19, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine nên giá vàng có những biến động bất thường, dẫn đến giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn giá vàng thế giới.
“Chênh lệch này đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian sớm nhất. Việc sửa đổi Nghị định 24 giúp giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Nếu không sửa sớm có thể dẫn đến các yếu tố tiêu cực như buôn lậu vàng, đô la đen”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.
Theo đại biểu đoàn TP.HCM, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần chục triệu đồng/lượng, các đối tượng buôn lậu sẽ dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển trái phép vàng qua biên giới kiếm lời.
"Tại Nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sớm sửa đổi Nghị định này để quản lý thị trường vàng tốt hơn", ông Ngân cho hay.
Trước đó, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đã yêu cầu Thống đốc giải trình nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC cao đột biến và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Thừa nhận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, chênh lệch với quốc tế chỉ vào khoảng 2 triệu/lượng. Tuy nhiên, riêng vàng SJC có mức chênh khoảng 16-17 triệu/lượng.
Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là việc thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 khi thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây khi Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, riêng với mặt hàng vàng miếng SJC, người dân mua cao thì cũng bán với giá cao, trong khi các thương hiệu khác mua thấp và bán thấp, nên việc này không có dấu hiệu bất thường.
“Với SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn cả, cho nên họ niêm yết giá cao”, bà Hồng cho hay.
Về tranh luận có hay không việc để SJC độc quyền sản xuất vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lý do chọn SJC là đơn vị gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước vì đây là thương hiệu được người dân ưa chuộng (chiếm 90% thị phần) từ trước khi Nghị định 24 được ban hành.
Với nội dung này, khi kết luận phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Nghị định 24./.