Ngân hàng điện tử đã không còn xa lại đối với không chỉ mọi khách hàng cá nhân mà cả doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng online ngày càng tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 435,25 triệu giao dịch với giá trị gần 22,8 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 54,1% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt tới xấp xỉ 1.194 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 75% về số lượng và 93,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó trong giai đoạn 2019 – 2020, thanh toán online cũng đã tăng trưởng với tốc độ trên dưới 3 chữ số.
Song song với các dịch vụ ngân hàng phổ biến là thanh toán, công cuộc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng thời gian qua còn đặc biệt chú trọng tới những sản phẩm, dịch vụ đặc thù cho các khách hàng doanh nghiệp, giúp họ tiện lợi hơn trong giao dịch.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện nay nhiều ngân hàng đã triển khai các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng doanh nghiệp.
Chẳng hạn tại HDBank, từ cuối năm 2020 nhà băng này đã trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam hoàn thành quy trình giao dịch thư tín dụng (L/C) trên nền tảng công nghệ blockchain. Với phương thức này, tốc độ xử lý giao dịch được rút ngắn rõ rệt so với phương thức truyền thống, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ thay vì hàng tuần hay thậm chí hàng tháng như trước đây, đồng thời giúp giảm thiểu công việc giấy tờ, sai sót, đồng thời có thời gian lưu trữ không giới hạn nhằm phục vụ cho nhu cầu đối chiếu, thống kê, quản lý lịch sử đối tác, khách hàng và cho phép các bên có thể cập nhật tình trạng thực hiện.
"Nhờ đặc tính công nghệ blockchain hiện đại hàng đầu và sự hợp tác thương mại với những ngân hàng, tập đoàn lớn trên thế giới của HDBank và các đối tác, L/C sẽ được đảm bảo tuyệt đối, tạo ra các giao dịch liền mạch và các luồng dữ liệu chuẩn xác ngay lập tức cho các giao dịch thương mại quốc tế và hệ sinh thái riêng rẽ" – một lãnh đạo HDBank đã chia sẻ như vậy khi ngân hàng thực hiện giao dịch L/C trên nền tảng blockchain đầu tiên vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, HDBank còn là một trong số ít ngân hàng Việt Nam thực hiện được nghiệp vụ xác nhận L/C do các ngân hàng nước ngoài phát hành.
Hay như trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giao dịch tài chính thuận lợi và thông suốt trong mùa dịch, HDBank còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiện ích ngân hàng số, trong đó tiên phong triển khai tiện ích i.Doc - kênh chuyển chứng từ trực tuyến dành cho doanh nghiệp. Với giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, dễ dàng và thuận tiện trong việc theo dõi, cập nhật kết quả giao dịch, đồng thời đảm bảo giao dịch được xử lý nhanh chóng, chính xác và bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; dịch vụ i.Doc của HDBank là một sự thay thế tối ưu cho phương thức chuyển giao chứng từ trực tiếp hay qua fax/email truyền thống.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể lập ủy nhiệm chi và lấy báo cáo giao dịch tài khoản ngay trên phần mềm kế toán Misa.
"Trước đây cứ đến cuối tháng là chúng tôi lại phải đau đầu với mớ chứng từ phải mang ra ngân hàng hoặc lo làm ủy nhiệm chi, nhưng bây giờ có dịch vụ online, chúng tôi không cần thiết phải đến ngân hàng giao dịch nữa, hoàn toàn có thể ngồi tại văn phòng hoặc ở nhà để hoàn tất công việc" – chị Hoàng Thu Huyền, kế toán của một công ty về phát triển giáo dục ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa số hóa vào hoạt động vận hành, quản trị cũng như đi đầu triển khai tự động hóa hoạt động, ứng dụng eKYC, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng tiện ích trên HDBank App, HDBank còn có thêm nhiều sản phẩm tối ưu, đảm bảo giao dịch thông suốt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng kể cả ở những khu vực bị giãn cách xã hội như: Mở tài khoản doanh nghiệp online, Cấp tín dụng online, Chuyển khoản nước ngoài với tiện ích eTT, Mở thư tín dụng qua kênh eLC hay các chương trình khuyến mại như Tích điểm đổi quà, Gửi tiết kiệm online…
Đối với dịch vụ của ngân hàng HDBank, bên cạnh hàng loạt các dịch vụ của khách hàng doanh nghiệp đều được thực hiện trực tuyến, ngân hàng còn khuyến khích khách hàng tăng sử dụng để gia tăng sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, giảm tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh thông qua các chính sách miễn, giảm nhiều loại phí.
Chẳng hạn với chương trình "Tài khoản Tối đa lợi ích - HDBank BeMax" mà ngân hàng đang triển khai sẽ miễn các loại phí cho khách hàng doanh nghiệp gồm: phí quản lý tài khoản thanh toán, phí thường niên eBanking, phí xác thực giao dịch qua SMS và phí chuyển khoản nội địa qua eBanking. Đặc biệt, doanh nghiệp không cần phải đăng ký tham gia chương trình ưu đãi này. Ngân hàng số HDBank sẽ hàng tháng quét thông tin về tần suất giao dịch và số dư để tự động áp dụng gói ưu đãi miễn phí cho từng khách hàng. Giao dịch và số dư càng nhiều thì càng được miễn phí giao dịch nhiều. Đồng thời, khi đạt mức số dư 30 triệu thì doanh nghiệp cũng sẽ được miễn phí quản lý tài khoản, phí thường niên eBanking và phí xác thực giao dịch qua SMS.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể chọn các gói phí ưu đãi cố định hàng tháng để được chuyển khoản trên kênh eBanking của HDBank theo nhu cầu thực tế của đơn vị mà không phải trả phí cho từng giao dịch.
Hay với các nhà thầu, HDBank có giải pháp tài chính trọn gói cho các nhà thầu thi công xây dựng, M&E (cơ điện) và cung cấp thiết bị với chính sách tài trợ trọn gói bao gồm bổ sung vốn lưu động, tài trợ thực hiện các gói thầu, bảo lãnh, phát hành L/C với nhiều ưu đãi vượt trội về lãi suất cho vay và phí bảo lãnh. Theo đó, Ngân hàng áp dụng chính sách đa dạng tài sản bảo đảm, chấp nhận dùng chính dòng tiền và nguồn thu của gói thầu làm tài sản bảo đảm để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận, hưởng gói tài trợ. Tỷ lệ tài trợ lên đến 85%.
Nhiều lợi ích thiết thực khác cũng được HDBank tích hợp trong chương trình trên. Chẳng hạn, đối với sản phẩm bảo lãnh, HDBank phát hành bảo lãnh dự thầu không cần tài sản bảo đảm; Tỷ lệ ký quỹ bảo lãnh dự thầu chỉ từ 0%, thực hiện hợp đồng chỉ từ 0%-5%. Đặc biệt, khi tham gia chương trình, khách hành doanh nghiệp có thể sử dụng ứng dụng "Tính hạn mức và tài trợ dòng tiền cho nhà thầu" của HDBank. Với giao diện thân thiện trên Website và Mobile Banking, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, khách hàng cũng có thể nhập thông tin gói thầu vào phần mềm và dự phóng được hạn mức tín dụng mà HDBank dự kiến sẽ cấp, cũng như tiến độ giải ngân.
Cùng kết quả được hiển thị ngay trên màn hình, hệ thống tự động của ứng dụng sẽ gửi thông báo và file excel các thông tin hợp đồng, số liệu tính toán qua email cho doanh nghiệp. Khách hàng có thể đăng ký thông tin và chuyển nhu cầu đến HDBank gần nhất. Đây là công cụ tính toán hạn mức mà HDBank là một trong số ít các ngân hàng có trên thị trường hiện nay.
Thậm chí khi doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi chưa sử dụng đến còn có thể gửi tiết kiệm online trên App của HDBank với lãi suất cộng thêm cao hơn so với gửi tại quầy, với đa dạng các kỳ hạn, đem lại sự tiện lợi, chủ động hơn cho doanh nghiệp.