Căng thẳng địa chính trị gần đây đang đẩy giá năng lượng và giá cả hàng hóa leo thang, từ đó gây ra những mối lo ngại rất lớn về lạm phát trên toàn thế giới và cả tại Việt Nam.
Đưa ra nhận định trong buổi hội thảo "Chiến sự leo thang - Sẵn sàng ứng phó", các chuyên gia đều chung nhận định thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lạm phát dự báo tăng. Theo phân tích của chuyên gia, mặc dù diễn biến vĩ mô có nhiều khó khăn, song lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trên sàn vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 20%. GDP dự báo cũng sẽ cao hơn năm ngoái khi đạt mức trên dưới 6%.
Những thông tin tiêu cực khiến thị trường biến động trong ngắn hạn, song nhìn về trung hạn chứng khoán vẫn có thể đi lên nhờ nhiều triển vọng tích cực. Đặc biệt, những biến động ngắn hạn cũng là cơ hội điều chỉnh giá cổ phiếu trên thị trường về mức cân bằng và phù hợp để đầu tư dài hạn. Theo đó, chuyên gia dự báo VN-Index vẫn có thể tăng trưởng khoảng 15-18% trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Quỹ đầu tư Novaon Capital, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư khi VN-Index chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp trong tháng qua. Tuy nhiên nếu so với Mỹ và các nước Châu Âu thì mức độ sụt giảm không đáng kể. Như vậy có thể thấy sức kháng thể của thị trường tài chính Việt Nam khá cao, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường sẽ đi lên khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt cộng thêm chất xúc tác về kết quả kinh doanh triển vọng trong quý 1/2022.
Chia sẻ trên góc nhìn của nhà đầu tư giá trị, ông Nguyễn Minh Quý cho rằng bản thân không quá quan tâm đến diễn biến "xanh đỏ" của thị trường hàng ngày. Tuy nhiên, trong những thời điểm thị trường có biến động cần quan sát kỹ để nắm bắt cơ hội. Bởi mỗi nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội vàng để gom cổ phiếu tốt với mức giá chiết khấu hấp dẫn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô CTCP Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng để kiếm lời từ chứng khoán cần có tầm nhìn đi trước so với những nhà đầu tư khác. Khi tình hình chính trị bất ổn, nhiều nhà đầu tư hoảng loạn rút lui thì đó lại là cơ hội tốt để mua cổ phiếu.
Trong bối cảnh lạm phát leo thang thì thường theo giá hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt nhạy cảm như giá dầu, giá kim loại hoặc giá các mặt hàng nông nghiệp. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý trong tầm nhìn ngắn hạn.
Cụ thể, những cổ phiếu trong nhóm Năng lượng, Thép, Lúa gạo và Cảng biển phù hợp đầu tư trong ngắn hạn do được hưởng lợi bởi nhiều yếu tố vĩ mô tích cực. Việc giá hàng hoá chưa thể hạ nhiệt chính là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của nhóm này trong khoảng 3 tháng tới.
Dưới góc nhìn trung hạn, Bất động sản, Chứng khoán, Bán lẻ, Ngân hàng là những nhóm ngành tiềm năng có thể nắm giữ trong 1 năm tới.
Đối với nhóm Bất động sản, vị chuyên gia cho rằng triển vọng của nhóm này sẽ đến từ những kỳ vọng kép từ việc đẩy mạnh đầu tư công và hàng loạt phân khúc bất động sản được dự báo tăng mạnh. Đặc biệt, cổ phiếu bất động sản KCN dự báo nhiều tiềm năng khi cung cầu bất động sản KCN tại các vùng kinh tế trọng điểm tăng và triển vọng tích cực đối với sản xuất công nghiệp.
Đối với nhóm Chứng khoán, nhóm cổ phiếu này cũng được dự báo sẽ tăng trưởng dù đà tăng không mạnh mẽ như năm 2021. Bên cạnh việc số lượng nhà đầu tư mở mới sẽ tiếp tục tăng, nhóm này được kỳ vọng bởi triển vọng kinh doanh duy trì tích cực trong năm 2022 so với mức nền khá cao trong năm trước.
Đối với nhóm Bán lẻ cũng được đánh giá tích cực song do nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau 1 năm ảnh hưởng bởi Covid, Tuy nhiên đà tăng sẽ có sự phân hóa trong nội bộ ngành và cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng thấp hơn so với trung bình ngành.