Theo bà đánh giá thì WTO sẽ ra sao nếu Mỹ rút khỏi tổ chức này, thưa bà?
- Tôi cho rằng nếu Mỹ rút khỏi WTO, các nước còn lại của WTO sẽ cố gắng để duy trì các cơ chế đã tồn tại lâu nay, những gì cần cải thiện đã được các nước đề cập nhiều và vẫn đang trong quá trình đàm phán với nhau để cố gắng cải thiện thêm một số mặt hoạt động của nó. Nhưng về cơ bản thì tôi tin WTO vẫn đứng vững như TGĐ của WTO đã nói: Dù ông Trump có rút (nước Mỹ) ra thì WTO vẫn tồn tại.
Vấn đề ở đây là, thực tế, Mỹ là thị trường lớn nhất trên thế giới mà nước nào cũng muốn vươn tới thị trường đó để tham gia xuất khẩu vào Mỹ hay nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ. Cho dù Trung Quốc có vươn lên là thị trường rất lớn trên thế giới, ngang ngửa với thị trường Mỹ thì cơ cấu thị trường hai bên hoàn toàn khác nhau, cho nên mối quan tâm đối với thị trường Mỹ vẫn không hề suy giảm đối với các nước khác.
Vậy theo bà các nước khác sẽ gặp khó khăn như thế nào khi muốn thâm nhập thị trường Mỹ một khi Mỹ rời bỏ WTO?
- Mỹ không tham gia WTO nữa sẽ gây khó khăn cho các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bởi khi đó Mỹ không đứng trên những cam kết của WTO để đối xử ngang nhau với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác nhau theo những nguyên tắc cơ bản như Tối huệ quốc (MFN) hoặc Các nguyên tắc về đối xử quốc gia (NT) được sử dụng khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Mỹ.
Mỹ có thể áp đặt những quy chế như cách của ông Trump vẫn làm là luôn luôn thích đàm phán song phương, bởi ông Trump tin đàm phán song phương mang lại cho Mỹ vị thế cao hơn hẳn so với các nước khác, giống cách hiện nay ông ta đang ép Canada. Điều đó chắc chắn gây khó với các nước đang trong WTO với quan hệ tay đôi của họ với Mỹ.
Bà có cho rằng việc Mỹ rút khỏi WTO có thể là tiền để tạo ra những nứt gãy hệ thống, khiến các nước khác cũng sẽ rời bỏ tổ chức này?
- Dù Mỹ có rời đi, nhưng giữa các nước còn lại với nhau thì quan hệ đó không thay đổi, chừng nào họ vẫn còn là thành viên của WTO thì vẫn cùng nhau chơi theo một luật chơi chung. Tôi nghĩ điều này tuy khó cho các nước nhưng sẽ không làm cho các nước phải cân nhắc tới việc rút ra khỏi WTO. Chỉ có Mỹ và thực ra chỉ có ông Donal Trump mới vậy, còn các chính quyền khác của Mỹ trước đây vẫn muốn tham gia và đóng vai trò lớn trong WTO hay như một số hiệp định thương mại lớn khác.
Liệu Mỹ không tham gia nữa thì các luật chơi trong WTO sẽ có sự thay đổi hay không, thưa bà?
- Cũng có thể xảy ra tình huống này. Vì trước đây Mỹ là một trong những nước có thể áp đặt nhiều nhất các quy chế trong WTO, ví dụ các vấn đề về bảo hộ sở hữu trí tuệ, vì đây là lợi ích hàng đầu của Mỹ nên Mỹ luôn luôn tìm cách yêu cầu các nước khác phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định đó hoặc nâng cao hơn những quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ; hay các các vấn đề khác về mở cửa thị trường, đưa thêm các chuẩn mực cao vào các điều khoản cam kết; hoặc thương mại dịch vụ cũng thế, Mỹ có lợi ích rất lớn trong thương mại dịch vụ nên thường thúc đẩy để làm sao các nước đang phát triển mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ cho sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, đối với hàng nông sản chẳng hạn, Mỹ muốn bảo vệ thị trường nội địa của mình, không sẵn sàng mở cửa cho các nước khác.
Quá trình đàm phán lâu nay của WTO - cái mà người ta gọi là vòng đám phán DOHA mà bao nhiêu năm chưa thành công được, chính là giằng co nhau giữa yêu cầu một mặt Mỹ là đại diện cho các nước phát triển cao, muốn đòi hỏi các nước khác mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không chịu đánh đổi mở cửa thị trường nông sản của mình. Các nước thành viên đang phát triển trong WTO lại muốn đòi hỏi các nước thành viên phát triển cao phải mở trước thị trường nông sản cho sản phẩm của họ, bởi vì đối với các nước đang phát triển việc mở cửa thị trường nông sản ở các nước phương Tây để xuất khẩu hàng là nhân tố vô cùng quan trọng và mang lại lợi ích rất lớn.
Khi Mỹ rút khỏi WTO, tôi nghĩ có khả năng đàm phán về đánh đổi giữa dịch vụ và nông sản chẳng hạn lại có những thuận lợi hơn khi bớt đi sức ép của Mỹ trên một số mặt. Khi đó các nước còn lại của WTO người ta có thể đi tới thỏa thuận với nhau. Tương tự như cách Mỹ rút khỏi TPP, các nước CPTPP có thể lui lại để tạm gạt ra ngoài một số điều mà trước đây vì có Mỹ nên phải thỏa thuận chứ các nước không phải thực sự mặn mà với những điều đó. Việc Mỹ rút khỏi WTO cũng có thể là một dịp để các nước thành viên còn lại tự thách thức lẫn nhau để xây dựng lại một thể chế WTO có lợi hơn, bình đẳng hơn cho tất cả các bên. Đây có thể là một cơ hội để cải tổ WTO. Nhưng chỉ là cải tổ chứ chắc chắn không thể bị tan vỡ WTO khi không có sự tham gia của Mỹ.
Theo bà đánh giá, nếu Mỹ thực sự rời khỏi WTO, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới kinh tế Việt Nam?
- Sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ hiện đang có hai hiệp định song phương là BTA ký năm 2001 và đàm phán Việt – Mỹ về việc Việt Nam tham gia WTO, hiệp định ký kết đó được coi là BTA+ ký vào năm 2006. Đó là hai hiệp định cơ bản nhất giúp cho quan hệ thương mại giữa hai bên. Tiếp theo đó, Việt Nam và Mỹ cùng tham gia đàm phán TPP với kỳ vọng thực sự là hai nước cùng trong FTA chung thì có thể thúc đẩy quan hệ hơn, nhưng sau này Mỹ rút khỏi nên kênh đàm phán đó chưa có được.
Trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ, chúng ta cũng là nước xuất siêu tới 34 tỉ USD. Nếu ông Donal Trump vẫn tuân thủ các giao kết trước đây thì quan hệ thương mại Việt - Mỹ sẽ vẫn bình thường. Điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho Mỹ nữa, các công ty của Mỹ có điều kiện tham gia rất nhiều vào sân chơi ở Việt Nam dù ở nhiều lĩnh vực họ không trực tiếp tham gia mà thông qua các nhánh đặt ở khu vực Châu Á gần Việt Nam. Vì vậy tôi rất kỳ vọng nếu Mỹ thực sự rút khỏi WTO thì cũng không làm đảo lộn quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ dựa trên bản hiệp định đã ký trước đó.
Xin cảm ơn bà!