TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố Báo cáo đánh giá khả năng Trung Quốc có phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) hay không.
Theo nhóm tác giả, khả năng Trung Quốc phá giá CNY là không cao, với 3 lý do chính:
Một là, lo ngại sự rút vốn mạnh (capital flight) như đã xảy ra trong năm 2015;
Hai là, Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thăng thêm trong cuộc chiến thương mại;
Và ba là, Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng CNY. Trên thực tế, ngày 25/5/2019, Mỹ đã công bố báo cáo về chính sách tiền tệ quốc tế, trong đó khẳng định không có quốc gia nào thao túng tiền tệ, mà chủ yếu ở dạng "nghi vấn".
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Theo đó, giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên (một phần là do kinh tế Mỹ vẫn khá ổn), trong khi giá trị đồng CNY và một số đồng tiền khu vực giảm như nêu trên. Mặc dù thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung-cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...), nhưng những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.
Về trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD...) trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.
Tóm lại, mặc dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng CNY là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn (một phần là do yếu tố tâm lý), đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt, chủ động.
Đồng thời, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, của thị trường tài chính - tiền tệ với các cú sốc bên ngoài thông qua việc đẩy nhanh xử lý những tồn tại, tăng các gối đệm như dự trữ ngoại hối, an toàn vốn cùng với việc tích cực dùng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, phái sinh tài chính... nhằm tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng.
Nhóm tác giả cũng lưu ý Việt Nam cũng cần theo dõi, bám sát diễn tiến động thái của Bộ Tài chính Mỹ để phối hợp thông tin, tránh bị đưa vào diện thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam.